Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tức khắc

Sáng ngày 10/11, Nga đã lập tức phái lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh. Trước đó, ngày 9/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký tuyên bố chung về chấm dứt chiến tranh/ngừng bắn hoàn toàn ở Nagorno-Karabakh. 

Theo TASS, tuyên bố chung 3 bên về việc chấm dứt các hành động thù địch ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh có nội dung về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

leftcenterrightdel
Nga lập tức triển khai lực lượng hòa bình tới Nagorno-Karabakh ngay sau tuyên bố chung 3 bên về ngừng bắn được ký kết. Ảnh: TASS.

Cụ thể, lực lượng này sẽ được triển khai tới khu vực trong thời hạn 5 năm, nhưng thời hạn này có thể được tự động gia hạn thêm 5 năm nữa, nếu cần thiết.

Đội quân gìn giữ hòa bình Nga bao gồm 1.970 quân nhân, 90 xe bọc thép chuyển quân và 380 xe cơ giới và phương tiện khác, được triển khai dọc theo đường tiếp giáp ở Nagorno-Karabakh và dọc theo hành lang Lachin.

Nòng cốt của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ là các phân đội của lữ đoàn bộ binh cơ giới biệt phái số 15 thuộc Quân khu miền Trung của Nga.

leftcenterrightdel
Đội quân gìn giữ hòa bình Nga bao gồm gần 2.000 quân nhân, 90 xe bọc thép chuyển quân và 380 xe cơ giới,... Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/AP. 

Lực lượng gìn giữ hòa bình cũng sẽ đóng vai trò giám sát việc thực hiện các thỏa thuận.

Việc chuyển vận quân được thực hiện bằng máy bay Il-76, xuất phát từ Ulyanovsk.

Thỏa thuận ngừng bắn nói gì?

Sputnik dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin, cho biết, lệnh ngừng bắn hoàn toàn được công bố vào 0h ngày 10/11, giờ Moscow (rạng sáng cùng ngày giờ Việt Nam). Azerbaijan và Armenia sẽ dừng lại ở vị trí họ đang chiếm đóng, đồng thời có nghĩa vụ tiến hành việc trao đổi tù binh.

leftcenterrightdel
Việc chuyển vận quân được thực hiện bằng máy bay vận tải Il-76. Ảnh: TASS. 

Yerevan phải trả lại vùng Kelbajar cho Baku vào ngày 15/11 và vùng Lachin vào ngày 1/12, để lại hành lang Lachin rộng 5km, đảm bảo kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia. Đồng thời, điểm này không áp dụng cho Shusha, thành phố mà trước đó Baku tuyên bố đã giải phóng.

Ngoài ra, trước ngày 20/11, Armenia phải chuyển giao Aghdam và một phần của vùng Gazakh do nước này nắm giữ cho Azerbaijan.

Lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai song song với việc rút quân của Armenia.

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi những gì đang xảy ra hiện nay ở Nagorno-Karabakh là một thảm kịch lớn. Ảnh: Bloomberg.  

Trong ba năm tới cần phải xác định kế hoạch xây dựng một tuyến đường giao thông mới dọc theo hành lang Lachin nhằm đảm bảo việc liên lạc giữa Stepanakert và Armenia, với việc tái triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga để bảo vệ tuyến đường này. Đồng thời, Azerbaijan đảm bảo sự an toàn của các liên kết giao thông dọc hành lang Lachin,..

Phát sinh căng thẳng

Theo Sputnik, trong đêm 9/11, ngay sau khi có tin về tuyên bố kết thúc chiến tranh ở Karabakh, tại Yerevan đã diễn ra các cuộc biểu tình.

 Các video được Sputnik công bố, cho thấy, người biểu tình đập phá cửa, xông vào tòa nhà chính phủ Armenia.

leftcenterrightdel
Người biểu tình phá cửa, xông vào tòa nhà Chính phủ  Armenia, yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức. Ảnh cắt từ video, nguồn: Sputnik.

Theo TASS, bạo loạn ở Yerevan yêu cầu Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từ chức.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo chí: "Chúng tôi biết rằng Thủ tướng Pashinyan đang nỗ lực giải thích nội dung và bản chất của các thỏa thuận này. Chúng tôi hy vọng rằng những giải thích này sẽ được nhìn nhận một cách phù hợp”.

Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: Tuyên bố ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh đánh dấu một chiến thắng của người dân Armenia và Azerbaijan, vì nhờ đó, chiến tranh đã kết thúc.

leftcenterrightdel
Video lực lượng gìn giữ Hòa Bình Nga triển khai tới  Nagorno-Karabakh. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga/Sputnik.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi những gì (xung đột) đang xảy ra hiện nay ở Nagorno-Karabakh là một thảm kịch lớn và bày tỏ hy vọng rằng các bước được thực hiện để giải quyết tình hình sẽ đưa đến việc thiết lập hòa bình, theo Sputnik.

"Những gì đang xảy ra ở Karabakh thực sự là một thảm kịch lớn. Tôi rất hài lòng ghi nhận thỏa hiệp đã vạch ra và các thỏa thuận đã đạt được để chấm dứt đổ máu. Tôi hy vọng rằng tất cả các bước mà chúng tôi đã thực hiện gần đây sẽ dẫn đến việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài vì lợi ích của người dân Azerbaijan và Armenia.", - ông Putin nói trong bài phát biểu tại cuộc họp hôm 10/11 của Hội đồng Nguyên thủ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Huy Anh