Hôm 2/1, một tuyên bố của cơ quan truyền thông Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara sẽ không cho phép 2 tàu săn mìn của Anh tặng cho Ukraine đi qua vùng biển của nước này trên đường tới Biển Đen, chiểu theo Công ước Montreux.

“Tuyên bố trên một số phương tiện truyền thông nói các tàu săn mìn do Vương quốc Anh tặng cho Ukraine được phép đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để đến Biển Đen là không đúng sự thật”, tuyên bố khẳng định.

Tháng trước, Anh cho biết sẽ chuyển 2 tàu quét mìn lớp Sandown đã loại biên cho Ukraine để giúp tăng cường các hoạt động trên biển của hải quân nước này trong cuộc chiến với Nga.

“Những tàu săn mìn này sẽ cung cấp năng lực quan trọng cho Ukraine, giúp cứu sống nhiều người trên biển và mở ra các tuyến xuất khẩu quan trọng vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến toàn diện chống Ukraine. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu cho nỗ lực mới của Anh, Na Uy và các đồng minh nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Ukraine về lâu dài, nâng cao khả năng hoạt động của họ để bảo vệ vùng biển có chủ quyền và tăng cường an ninh ở Biển Đen...”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Tàu quét mìn lớp Sandown của Hải quân Anh. Nguồn: ukdefencejournal.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thông báo cho các đồng minh việc họ sẽ không cho phép các tàu quân sự quá cảnh qua eo biển Bosporus và Dardanelles chừng nào chiến tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

“Các đồng minh có liên quan của chúng tôi đã được thông báo việc các tàu săn mìn do Anh tài trợ cho Ukraine sẽ không được phép đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để đến Biển Đen chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn.”, tuyên bố nói.

Theo Công ước Montreux năm 1936, quốc gia cửa ngõ Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles, nối Địa Trung Hải và biển này. Hiệp ước mang lại cho Ankara quyền điều chỉnh việc di chuyển của các tàu chiến và đóng eo biển đối với các tàu chiến nước ngoài trong tình huống chiến tranh hay nước này bị đe dọa.

Khi Nga phát động cuộc chiến chống Ukraine vào tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux, ngăn chặn triệt để các tàu quân sự của các bên tham chiến đi vào Biển Đen.

leftcenterrightdel
 Tàu hộ tống Veliky Ustyug của Nga đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường từ Biển Đen qua Địa Trung Hải. Ảnh: Yoruk Isık. 

Công ước miễn trừ các tàu chiến từ Biển Đen trở về căn cứ quê hương.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo các quốc gia không thuộc Biển Đen vào thời điểm đó không gửi tàu chiến đi qua eo biển.

Theo Công ước Montreux, tàu chiến của các bên không tham chiến có thể đi qua eo biển trong thời gian có chiến sự trong khu vực. Tuy nhiên công ước cũng nói Thổ Nhĩ Kỳ có tiếng nói cuối cùng về việc quá cảnh của tất cả các tàu chiến nếu nhận thấy quốc gia này có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc chiến.

Tổng thống cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi Điều 19 công ước Montreux một cách khách quan và thận trọng nhằm ngăn chặn khả năng leo thang ở Biển Đen.

Ankara duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Kyiv và Moscow trong bối cảnh hai nước xảy ra xung đột.

Văn Phong/dailysabah, ukdefencejournal