Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara có thể hạn chế tàu chiến Nga qua lại hai eo biển Bosporus và Dardanelles để ra vào Biển Đen, nhưng tàu Nga sẽ có quyền quay trở lại căn cứ của mình.

Hôm 24/2, sau khi Nga tấn công Ukraine, Đại sứ nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bondar cho biết, Kyiv yêu cầu Ankara đóng cửa hai eo biển cửa ngõ vào Biển Đen đối với tàu chiến Nga.

leftcenterrightdel
Hai eo biển Dardanelles và Bosporus (nằm ở hai đầu Biển Marmara, do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát) nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đen. Ảnh: GM.

Trước đó, hôm 21/2, ngay sau khi Tổng thống Nga Putin quyết định công nhận 2 nước cộng hòa ly khai tự xưng ở Donbas, đông Ukraine, Đại sứ Bondar bày tỏ, Ukraine coi sự hiện diện của các tàu chiến Nga gần biên giới nước này ở Biển Đen là một mối đe dọa và sẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xem xét đóng cửa tuyến đường thủy cửa ngõ duy nhất vào Biển Đen với tàu Nga nếu Moscow tấn công Ukraine.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, đầu tháng này, 6 tàu chiến và một tàu ngầm của Nga đã quá cảnh hai eo biển Dardanelles và Bosporus vào Biển Đen để tiến hành cuộc tập trận hải quân gần vùng biển Ukraine.

leftcenterrightdel
 Hai eo biển Dardanelles và Bosporus (khoanh đỏ) nằm trong tuyến đường thủy là cửa ngõ duy nhất ra vào Biển Đen. Ảnh: GM.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, có chung đường biên giới trên biển với cả Ukraine và Nga ở Biển Đen, cũng như có quan hệ tốt với cả hai nước, điều khiến Ankara lâm vào vào một tình thế khó xử. 

Trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, trong tình huống xung đột như hiện nay mà Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một trong các bên, nước này có thể hạn chế việc tàu chiến Nga qua eo biển. Tuy nhiên, Công ước Montreux cũng quy định tàu của các nước tham chiến có thể quay trở lại căn cứ của mình và họ phải được phép làm như vậy.

leftcenterrightdel
Tàu kéo cứu hộ EPRON của Hải quân Nga qua eo biển Bosporus, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Biển Đen, ngày 17/2. Ảnh: Reuters. 

Công ước Montreux được thông qua vào năm 1936 bảo đảm quyền tự do đi lại qua hai eo biển cho các tàu bè cả trong thời bình và thời chiến; đồng thời xác định quyền kiểm soát các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tình huống chiến tranh hoặc bị đe dọa, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm hoặc hạn chế qua lại hai eo biển.

Hôm 23/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga, không thể từ bỏ quan hệ với một trong hai quốc gia; bởi vậy Ankara sẽ thực hiện các bước để bảo toàn các mối quan hệ.

leftcenterrightdel
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Truxtun của Hải quân Mỹ đi qua cầu Bosporus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trên đường đến Biển Đen, ngày 7/3/2014. Ảnh Reuters. 

Thổ Nhĩ Kỳ gần như là thành viên NATO duy nhất có quan hệ khá gần gũi với Nga, cả về kinh tế và quân sự.

Trong khi xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga về quốc phòng và năng lượng, Ankara cũng đã bán các máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tinh vi cho Ukraine, hơn thế còn ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất khiến Moscow tức giận.

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các chính sách của Nga ở Syria và Libya cũng như việc Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 và việc nước này công nhận hai khu vực của Gruzia vào năm 2008.

Văn Phong/RIA, DS