Hôm 22/7, Kyiv và Moscow đã ký các thỏa thuận mang tính bước ngoặt với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ, giúp giải phóng các cảng ở Biển Đen của Ukraine và tạo hành lang an toàn cho việc xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc của cả Ukraine và Nga.

Sự kiện được đánh giá như bước đột phá đầu tiên sau nhiều tháng đàm phán, chấm dứt tình trạng bế tắc đe dọa an ninh lương thực thế giới, giúp làm giảm áp lực về nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi diễn ra xung đột ở Ukraine.

Việc ký kết thỏa thuận tại Istanbul được chứng kiến bởi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò thúc đẩy các cuộc đàm phán, cũng là nhà lãnh đạo NATO hiếm hoi có quan hệ tốt với cả Moscow và Kyiv.

leftcenterrightdel
 Bốn bên ký thỏa thuận tạo hành lang an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/7. Ảnh: Dịch vụ báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ / TASS.

“Thỏa thuận sẽ ngăn hàng tỉ người đang đối mặt với nạn đói và sẽ giúp giảm lạm phát lương thực toàn cầu vốn đang ở mức cao kỷ lục. Bước đi chung này mà chúng tôi đang thực hiện với Ukraine và Nga hy vọng sẽ hồi sinh con đường dẫn tới hòa bình ở Ukraine.”, ông  Erdogan nói, lưu ý chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến các bên liên quan mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ nhân loại.

Tổng thư ký LHQ Guterres cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ về quyết tâm bền bỉ, nhấn mạnh những nỗ lực của Ankara là rất cần thiết.

“Hôm nay, có một ngọn hải đăng trên Biển Đen, một ngọn hải đăng của triển vọng và hy vọng, ngọn hải đăng cứu rỗi mà thế giới đang cần hơn bao giờ hết.", ông Guterres bày tỏ.

Thỏa thuận cho phép Ukraine thực hiện kế hoạch được gọi là “Sáng kiến Biển Đen”, bao gồm xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác đang bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen của nước này, trong đó có 3 cảng quan trọng là Odessa, Chernomorsk và Yuzhny, đang do Nga kiểm soát kể từ khi tiến hành cuộc chiến.

LHQ ước tính có khoảng 47 triệu người bắt đầu đối mặt với “nạn đói cấp tính” do hậu quả trực tiếp của chiến tranh.

leftcenterrightdel
 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (bên trái) và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại lễ ký thỏa thuận 4 bên. Ảnh: AFP.

Việc ngừng xuất khẩu lượng thực từ Ukraine, vựa lúa mì, ngô và dầu hướng dương vào loại lớn nhất thế giới trong hơn 5 tháng qua do ảnh hưởng của cuộc chiến, đã khiến giá cả các mặt hàng này tăng vọt.

LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và láng giềng trên biển của cả Nga và Ukraine ở Biển Đen, cũng là quốc gia kiểm soát các eo biển ra vào Biển Đen, đã làm việc trong hai tháng trong vai trò trung gian của thỏa thuận. 

Thỏa thuận đưa ra các điều khoản cho phép đi lại an toàn của tàu bè qua các vùng nước vốn nhộn nhịp. Một trung tâm điều phối sẽ được thành lập tại Istanbul, với sự tham gia của các quan chức LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine, để giám sát các tàu và điều hành quá trình thông qua các hành lang cụ thể. Các con tàu sẽ được kiểm tra để đảm bảo chúng không mang theo vũ khí.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói, Washington hoan nghênh thỏa thuận vừa được các bên ký kết.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, thỏa thuận đánh dấu bước đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đồng thời thúc đẩy niềm tin giữa hai nước về một triển vọng hòa bình.

Văn Phong/Daikysabah