Ankara đã không chấp thuận việc đóng cửa eo biển duy nhất dẫn vào Biển Đen đối với tàu chiến Nga, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin hôm 26/2, dẫn nguồn tin chính thức từ một quan chức có trách nhiệm của nước này.

Tin nói, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thổ Nhĩ Kỳ đã hay sẽ đóng cửa các eo biển nhằm chặn tàu chiến Nga tiếp cận Biển Đen.

"Lệnh cấm tàu chiến Nga qua Biển Đen và hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine hiện nay là cực kỳ quan trọng. Người dân Ukraine sẽ không bao giờ quên điều đó!", ông  Zelensky đã viết trên tweet vào thứ Bảy, 26/2, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Một nguồn tin Ukraine vào sáng 27/2, cũng cho biết, trong cuộc điện đàm Zelensky-Erdogan trước đó, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất đóng cửa eo biển Bosporus đối với tàu chiến Nga.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý, Ankara vẫn đang đánh giá vấn đề và nhận xét của Tổng thống Ukraine Zelensky, vốn "chỉ phản ánh kỳ vọng của ông ấy".

leftcenterrightdel
Tuyến đường thủy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ duy nhất ra vào Biển Đen, nơi có căn cứ Sevastopol của Nga và là địa bàn hoạt động của Hạm đội Biển Đen- Hải quân Nga. Ảnh: GM.

Các eo biển Dardanelles và Bosporus, đều do Thổ Nhì Kỳ quản lý, lần lượt nằm trên tuyến hàng hải duy nhất từ Biển Địa Trung Hải dẫn vào Biển Đen, một “ao tù” nước mặn khổng lồ rộng khoảng 422.000 km².

Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát đối với hai eo biển này. Công ước cũng quy định các hạn chế đối với tàu quân sự vào Biển Đen trong tình huống chiến tranh trong khu vực.

Nga thường sử dụng eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để điều động tàu giữa Địa Trung Hải và Biển Đen.

Hôm 25/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Bosporus không nằm trong số các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối này.

Hôm 24/2, sau khi Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đại sứ của Kyiv tại Ankara, Vasly Bodnar đã chính thức yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển đối với tàu chiến Nga.

leftcenterrightdel
Căn cứ Hải quân Sevastopol của Nga trên Biển Đen. Nguồn: Navyclippings.nl 

Trước yêu cầu của Ukraine, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, các tàu Nga vẫn có thể đi qua eo biển để trở lại căn cứ của họ ở Biển Đen, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa tuyến đường thủy, theo Công ước Montreux. Trong khi Biển Đen và Biển Địa Trung Hải là địa bàn hoạt động của Hạm đội Biển Đen- Hải quân Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ kinh tế, chính trị tốt với cả Nga và Ukraine. Ông Erdogan trước đó cho biết Ankara muốn bảo toàn mối quan hệ với cả hai quốc gia.

Bày tỏ trên trang cá nhân sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hôm 24/2, ông Erdogan đã lên án hành động của Nga, coi đó là một cú đòn giáng vào hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong phát biểu, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các cụm từ “không thể chấp nhận được”, “chống lại luật pháp quốc tế”; tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc đấu tranh của Ukraine để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Ông Erdogan cũng bảy tỏ lấy làm tiếc vì đã xảy ra một cuộc đối đầu như vậy, khi Thổ Nhĩ Kỳ xem Nga và Ukraine đều là những quốc gia láng giềng hữu nghị, mà Ankara đang có mối quan hệ chính trị, kinh tế chặt chẽ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi giải quyết các vấn đề giữa Nga và Ukraine thông qua đối thoại trong khuôn khổ của các thỏa thuận Minsk; cam kết sẽ nỗ lực vì mục tiêu đó.

Văn Phong (Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ)