Ngày 27/5, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, vụ phóng vệ tinh do thám quân sự do Cơ quan Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia (NATA) thực hiện trước đó cùng ngày đã thất bại do gặp sự cố.
KCNA dẫn lời Phó Tổng giám đốc NATA nói, tên lửa đẩy loại mới mang vệ tinh do thám Malligyong-1-1 đã phát nổ trong gian đoạn đầu của chuyến bay, sau khi được phóng từ bãi phóng vệ tinh Sohae, ở Tongchang-ri, trên bờ biển phía tây bắc đất nước.
Quan chức này cho biết, kiểm tra sơ bộ của các chuyên gia kết luận, sự cố là do độ tin cậy vận hành của động cơ dầu mỏ + ô xy lỏng mới phát triển, tuy nhiên không loại trừ các nguyên nhân khác.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nói, tên lửa của Triều Tiên kết thúc với nhiều mảnh vỡ và rơi xuống biển 2 phút sau khi phóng, dấu hiệu cho thấy vụ phóng vệ tinh đã gặp trục trặc.
JCS phát hiện tên lửa được phóng về phía nam biển Hoàng Hải từ khu vực Tongchang-ri vào khoảng 22h44’ khuya ngày 27/5.
Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul, trong đó tái khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
|
|
Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đẩy loại mới Chollima-1 mang theo vệ tinh do thám quân sự vào khuya ngày 21/11. Ảnh: KCNA. |
Bình Nhưỡng trước đó đã thông báo cho Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh trong giai đoạn đến trước ngày 4/6 đồng thời chỉ định ba khu vực, nơi các mảnh vỡ tên lửa dự kiến sẽ rơi xuống, để đề phòng rủi ro.
Triều Tiên đã lên kế hoạch phóng 3 vệ tinh lên quỹ đạo trong năm nay. Vào tháng 11 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã đưa thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo.
Ngay sau vụ phóng của Triều Tiên, lúc 23h40’, Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn để xem xét tình hình.
Tại cuộc họp, Hàn Quốc đã lên án vụ phóng của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và là hành động khiêu khích, đe dọa hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như trong khu vực Đông Bắc Á và quốc tế.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quân đội Mỹ cũng lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của LHQ, làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực; cho biết họ đang đánh giá tình hình với sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.
|
|
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Nhật- Trung- Hàn ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/5. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Hàn Quốc cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để đáp trả kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên và tổ chức các cuộc tập trận trên không, có sự tham gia của các máy bay chiến đấu tiên tiến, gần biên giới liên Triều.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, tên lửa đã biến mất khỏi radar phía trên biển Hoàng Hải và nước này đang phân tích dữ liệu xem liệu nó có thực sự mang theo một vệ tinh hay không.
Nhật Bản, thông qua Đại sứ quán ở Bắc Kinh, đã đưa ra phản đối mạnh mẽ với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa liên tiếp của nước này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nói trong một cuộc họp báo; cho biết, Tokyo không cố gắng bắn hạ tên lửa và không có thiệt hại nào được báo cáo sau vụ phóng.
Hệ thống cảnh báo sớm J-Alert của Nhật Bản đã ra lời khuyến cáo người dân ở tỉnh Okinawa tìm nơi trú ẩn, nhưng cảnh báo đã sớm được dỡ bỏ.
|
|
Cảnh quay của 1 tàu tuần tra Hàn Quốc về vụ nổ/BQP Hàn Quốc/Kyodo
|
Các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên bị coi là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC), do sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Cùng ngày 27/5, Triều Tiên đã lên án cuộc họp thượng đỉnh 3 bên Nhật-Trung-Hàn vì cam kết giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, mô tả tuyên bố chung của ba nước sau hội nghị ở Seoul là một “sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng” vi phạm chủ quyền cũng như “can thiệp vào công việc nội bộ” của nước này.
Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên ở Seoul kể từ năm 2019, ba nước đã tìm cách hợp tác về an ninh, nhắc lại lập trường về hòa bình, ổn định khu vực và phi hạt nhân hóa bán đảo, theo tuyên bố chung.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên phản bác rằng, cuộc thảo luận như vậy là một “sự xúc phạm không bao giờ được tha thứ và là một lời tuyên chiến chống lại Triều Tiên”.
“Thảo luận về phi hạt nhân hóa... hôm nay cấu thành một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng và vi phạm chủ quyền.”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói; lưu ý, bước đi như vậy phủ nhận chủ quyền và hiến pháp bất khả xâm phạm của Bình Nhưỡng, phản ánh ý chí thống nhất của toàn thể nhân dân nước này.