Sử dụng tên lửa đẩy loại mới Chollima-1

Sáng ngày 22/11, hãng thông tấn KCNA đưa tin, Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NATA) Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đẩy loại mới Chollima-1 mang theo vệ tinh do thám do thám, tại bãi phóng vệ tinh Sohae ở huyện Cholsan, tỉnh Phyongan Bắc, lúc 22h42’ khuya ngày 21/11.

Tên lửa đẩy Chollima-1 bay theo quỹ đạo thông thường, đưa vệ tinh do thám Malligyong-1 chính xác vào quỹ đạo lúc 22h54’13”, 705 giây sau khi phóng.

Việc phóng vệ tinh trinh sát là quyền hợp pháp của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tự vệ và góp phần đáng kể vào việc tăng cường vững chắc khả năng sẵn sàng chiến tranh của các lực lượng vũ trang, phù hợp với môi trường an ninh trong khu vực, KCNA viết.

leftcenterrightdel
 Triều Tiên tuyên bố thực hiện vụ phóng vào khuya ngày 21/11. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người giám sát vụ phóng tại hiện trường, đã nhiệt liệt chúc mừng toàn thể cán bộ, nhà khoa học, kỹ thuật viên của NATA và các cơ quan liên quan, đã góp phần to lớn trong việc tăng cường sức mạnh răn đe chiến tranh của đất nước.

Vụ phóng được thực hiện chỉ vài tiếng sau khi Triều Tiên thông báo cho Nhật Bản việc chuẩn bị phóng tên lửa mang vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 22-30/11.

Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch phóng loạt vệ tinh do thám trong thời gian ngắn tới.

Nhật Bản đã công bố báo động và khuyến cáo sơ tán đối với cư dân tỉnh Okinawa ở miền Nam đất nước. Tuy nhiên sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo tên lửa do Triều Tiên phóng lên đã bay qua Thái Bình Dương lúc 22h55’ và huỷ bỏ cảnh báo sơ tán dân.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trực tiếp giám sát vụ phóng tại hiện trường. Ảnh: KCNA.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu, cho biết, không có thiệt hại nào được báo cáo ở nước này sau vụ phóng.

Sau vụ phóng, Chính phủ Nhật Bản cho biết phi đạn của Triều Tiên đã vỡ thành nhiều mảnh sau khi bay qua Okinawa.

Một phần của tên lửa rơi xuống biển Hoa Đông, cách bán đảo Triều Tiên khoảng 350 km, vào khoảng 22h50’, trong khi một phần khác rơi xuống Thái Bình Dương, cách đảo Okinotori cực nam của Nhật Bản khoảng 1.200 km về phía Tây Nam vào khoảng 22h57’, theo ông Hirokazu.

Cả Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều cho biết, đang tiến hành phân tích toàn diện về các chi tiết cụ thể của tên lửa và vụ phóng để có thể xác nhận liệu vụ phóng có thành công hay không, đồng thời cam kết phối hợp duy trì thế trận phòng thủ mạnh mẽ.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật  Bản cùng phản ứng

Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thông qua Đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh, cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ.

Nhà Trắng tuyên bố mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và gọi hành động này là sự vi phạm “trơ tráo” đối với nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Thông tin với truyền thông Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, nói, việc phóng vệ tinh quân sự của Triều Tiên cấu thành một hành động khiêu khích vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm nước này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo cũng như hợp tác khoa học và công nghệ.

JCS cho biết Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã triển khai trước các tàu khu trục Aegis gần đường bay dự kiến để phát hiện, theo dõi vệ tinh của Triều Tiên và chia sẻ thông tin liên quan ngay sau vụ phóng.

leftcenterrightdel
 Đây là vụ phóng vệ tinh do thám quân sự thứ 3 của Triều Tiên trong năm, sau 2 vụ phóng thất bại vào tháng 5 và tháng 8. Ảnh: KCNA.

Đáp trả, Seoul cho biết họ sẽ nối lại các hoạt động trinh sát và giám sát xung quanh biên giới liên Triều.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ thị bắt đầu các thủ tục thích hợp để đình chỉ một số điểm trong thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, vốn thiết lập các vùng đệm và vùng cấm bay gần biên giới liên Triều, bao gồm lệnh cấm bắn pháo, tập trận hải quân và các hoạt động giám sát để ngăn chặn xung đột giữa hai miền Triều Tiên.

“Tổng thống lưu ý rằng việc Triều Tiên phóng cái gọi là ‘vệ tinh trinh sát quân sự’ bất kể có thành công hay không đều nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát và do thám đối với Hàn Quốc, cũng như cải thiện hiệu suất của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và là một bước hướng tới việc biến các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thành hiện thực. Vì vậy Tổng thống đã chỉ đạo tiến hành các biện pháp ứng phó phù hợp với thủ tục pháp lý đã được thảo luận hôm nay tại cuộc họp các thành viên thường trực của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC).”, chính phủ Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp khẩn của NSC.

NSC cũng cáo buộc Triều Tiên vi phạm tất cả các văn kiện cơ bản liên quan đến quan hệ liên Triều được các bên ký kết từ năm 1974, quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng về việc leo thang căng thẳng quân sự.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các nhà khoa học bày tỏ vui mừng sau vụ phóng thành công. Ảnh: KCNA.

NSC lưu ý mục đích Bình Nhưỡng phóng vệ tinh trinh sát là để tính toán hoạt động quân sự của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhằm đảm bảo khả năng sử dụng sức mạnh quân sự phủ đầu. Đồng thời, Triều Tiên năm ngoái đã thông qua luật về “chính sách lực lượng hạt nhân” và vào tháng 9 năm nay đã đưa các điều khoản về vũ khí hạt nhân vào hiến pháp nước này, qua đó “ngày càng công khai (thể hiện) những hành động đe dọa hạt nhân” đối với Seoul.

Từ động thái của Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc sẽ tạm đình chỉ hiệu lực của khoản 3 Điều 1 Hiệp định quân sự ngày 19/9/2018 và khôi phục hoạt động tình báo trong khu vực đường giới tuyến quân sự.

Seoul và Washington đã bày tỏ quan ngại về việc Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng vệ tinh do thám với sự hỗ trợ công nghệ từ Nga sau hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9.

Trong cuộc phỏng vấn truyền thông hôm 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won Sik cho biết, Triều Tiên được cho là đã khắc phục được các vấn đề về động cơ trong vệ tinh của mình với sự hỗ trợ của Nga.

Vệ tinh gián điệp quân sự là một trong những vũ khí công nghệ cao mà Triều Tiên tuyên bố sẽ phát triển để tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Vụ phóng hôm 21/11 diễn ra vài giờ sau khi tàu sân bay lớp Nimitz  USS Carl Vinson đến căn cứ hải quân ở thành phố Busan, đông nam Hàn Quốc.

Văn Phong/KCNA, Yonhap, Kyodo