Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/5, khi đang ở thăm nước này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông hoàn toàn sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, nhưng điều đó cần phải diễn ra vào một thời điểm “hữu ích”, vì ông cho biết đây không còn là điều cấm kỵ ở nước này.

“Không có điều cấm kỵ đối với Pháp và tôi hoàn toàn sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine… Tôi nghĩ sự công nhận này phải diễn ra vào thời điểm hữu ích.”, ông Macron nói; nhấn mạnh sự cần thiết của một tiến trình chính trị để mang lại kết quả hữu ích; nói rằng, quyết định thừa nhận sẽ không bị chi phối bởi cảm xúc.

Nhà lãnh đạo Pháp mô tả tình hình ở Rafah là “kinh hoàng”, nhấn mạnh “Các hoạt động quân sự ở Rafah phải dừng lại”.

Ông Macron nhắc lại rằng Israel có quyền tự vệ nhưng lưu ý việc này phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và luật nhân đạo.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức tại cung điện Schloss Meseberg ở Meseberg, miền đông nước Đức, ngày 28/5. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pháp bày tỏ sự phẫn nộ trước các cuộc tấn công của Israel vào Rafah giết chết nhiều người sơ tán tại đây khiến không có nơi nào an toàn cho thường dân Palestine.

Ông nhấn mạnh rằng Pháp cũng sẵn sàng nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và nói rằng “hành động hữu ích nhất hiện nay là ngừng bắn”.

Cho đến nay, Palestine đã được 9 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận. Tám quốc gia Bulgaria, Síp, Cộng hòa Séc, Hungary, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia đã công nhận Palestine vào năm 1988 trước khi gia nhập EU, trong khi Thụy Điển công nhận vào năm 2014.

Mới nhất, vào ngày 28/5, Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland cùng chính thức công nhận nhà nước Palestine.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong chuyến thăm lịch sử tới Đức/ @EmmanuelMacron.

Ba quốc gia cho biết họ tìm cách đẩy nhanh nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn cho cuộc chiến của Israel với Hamas ở Gaza. Ba nước nói rằng họ hy vọng quyết định của họ sẽ thúc đẩy các nước EU khác làm theo.

“Đó là cách duy nhất để tiến tới điều mà mọi người đều công nhận là giải pháp khả thi duy nhất để đạt được một tương lai hòa bình, một nhà nước Palestine sống cạnh nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh.”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói trong bài phát biểu trên truyền hình.

Ông nói rằng Tây Ban Nha đang công nhận một nhà nước Palestine thống nhất, bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây, dưới sự quản lý của Chính quyền Dân tộc Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết động thái này có nghĩa là 146 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ hiện công nhận nhà nước Palestine.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công bố quyết định công nhận Nhà nước Palestine ngày 28/5. Nguồn: AFP.

Ông Sanchez cho biết Madrid sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với biên giới trước năm 1967 trừ khi được cả hai bên đồng ý.

Bộ Ngoại giao Ireland tuần trước cho biết họ sẽ nâng cấp văn phòng đại diện tại Ramallah ở Bờ Tây thành đại sứ quán, bổ nhiệm đại sứ tại đó và nâng cấp vị thế của phái bộ Palestine ở Ireland lên đại sứ quán.

“Chúng tôi muốn công nhận Palestine khi kết thúc tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện động thái này cùng với Tây Ban Nha và Na Uy để duy trì sự kỳ diệu của hòa bình.”, Thủ tướng Ireland Simon Harris nói trong một tuyên bố hôm 28/5.

Israel đã nhiều lần lên án quyết định này, cho rằng nó ủng hộ Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo đã tiến hành cuộc tấn công chết người vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023, châm ngòi cho cuộc chiến ở Dải Gaza do Hamas quản lý.

Anh và Australia cho biết họ cũng đang cân nhắc việc công nhận Palestine.

Văn Phong/Dailysabah, Reuters