Hôm 19/7, thông cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cho biết, ít nhất 40 người di cư đã thiệt mạng và một số người khác bị thương sau khi một chiếc thuyền chở họ bốc cháy ngoài khơi bờ biển thành phố Cap Haitien, phía bắc Haiti.
Trước đó, vào ngày 17/7, chiếc thuyền chở hơn 80 người đã khởi hành từ bờ biển Fort Saint-Michel của Cap Haitien, hướng đến Quần đảo Turks và Caicos, lãnh thổ thuộc Anh, trên một hải trình dài 250 km, theo Văn phòng Di cư Quốc gia Haiti (ONM).
Bốn mươi mốt người di cư sống sót trên thuyền đã được Cảnh sát biển Haiti giải cứu và hiện đang được chăm sóc, hỗ trợ về y tế, thực phẩm, nước và hỗ trợ tâm lý do IOM cung cấp. Trong số này 11 người di cư đã được đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị, bao gồm các trường hợp bị thương do bỏng.
Trong thông cáo, Trưởng phái bộ IOM tại Haiti, Grégoire Goodstein, đổ lỗi cho thảm kịch này là do cuộc khủng hoảng an ninh cũng như tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng ở Haiti cũng như việc thiếu con đường di cư an toàn và hợp pháp, khiến người Haiti buộc phải lựa chọn con đường tuyệt vọng, đầy rủi ro, nhất là nhóm dễ bị tổn thương là trẻ em, phụ nữ.
|
|
Tai nạn xảy ra ngoài khơi phía bắc Haiti. Nguồn: IOM. |
Haiti đang phải vật lộn với tình trạng bạo lực băng đảng. Việc thiếu cơ hội kiếm sống, hệ thống y tế sụp đổ, thiếu hụt nguồn cung cấp thiết yếu, trường học đóng cửa và không có tương lai đang thúc đẩy nhiều người coi di cư là cách duy nhất để tồn tại.
Một nghiên cứu của IOM năm 2023 cho thấy, 84% người di cư trở về đã tiếp tục rời đi để tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài.
Đối với phần lớn người Haiti, di cư hợp pháp là một hành trình cực kì khó khăn để cân nhắc, khiến nhiều người coi di cư bất hợp pháp là lựa chọn duy nhất của họ, dù con đường này đầy rủi ro.
Cuộc khủng hoảng ở quốc gia Caribe đã leo thang vào đầu năm nay khi xung đột băng đảng bùng nổ, buộc chính phủ phải từ chức.
Kể từ ngày 29/2, Cảnh sát biển Haiti đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng các nỗ lực vượt biên bằng thuyền.
|
|
Hàng trăm ngàn người Haiti phải rời bỏ nhà cửa, trốn chạy bạo lực và nghèo đói. Nguồn: IOM. |
Cảnh sát biển từ các quốc gia trong khu vực, bao gồm Mỹ, Bahamas, Quần đảo Turks và Caicos và Jamaica, cũng đã báo cáo về số lượng ngày càng tăng các tàu thuyền xuất phát từ Haiti bị chặn lại trên biển.
Theo IOM, hơn 86.000 người di cư Haiti đã bị các nước láng giềng cưỡng bức hồi hương về nước trong những tháng đầu năm nay. Trong tháng 3, mặc dù bạo lực gia tăng và các sân bay trên khắp cả nước đóng cửa, số người bị cưỡng bức hồi hương đã tăng 46%, lên đến13.000 người.
IOM lo ngại về số lượng lớn người Haiti bị cưỡng bức hồi hương trong giai đoạn nước này đang bất ổn và hỗn loạn.
"Việc cưỡng bức hồi hương theo IOM phải được thực hiện một cách có cân nhắc. “Nhiều người di cư bị cưỡng bức hồi hương, bao gồm cả trẻ em không có người lớn đi kèm và bị li tán cũng như phụ nữ mang thai và cho con bú, trở về Haiti trong điều kiện rất dễ bị tổn thương và rất ít cơ hội. Họ rất cần sự hỗ trợ nhân đạo sau khi phải đối mặt với nhiều mối lo ngại về sức khỏe và an toàn trong suốt hành trình của mình.”, IOM nhấn mạnh.