Hôm 23/6, đại diện Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại Ý, bà Chiara Cardoletti, cho biết, hơn 40 người đã mất tích, trong đó có ít nhất một bé sơ sinh, sau khi một chiếc thuyền chở người di cư chìm gần đảo Lampedusa, miền Nam nước Ý, trên biển Địa Trung Hải.

Trong khi phát ngôn viên của Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc (IOM), Flavio Di Giacomo, nói, chiếc thuyền khởi hành từ thành phố cảng Sfax, Tunisia, chở 46 người di cư từ Cameroon, Burkina Faso và Bờ Biển Ngà, bị lật do sóng to gió lớn.

Có 4 người sống sót được giải cứu, những người khác mất tích.

leftcenterrightdel
 Trong vụ chìm thuyền di cư mới nhất, chỉ có 4 người sống sót được giải cứu. Nguồn: Rainews.

“Trong số những người mất tích có bảy phụ nữ và một trẻ emh. Những người sống sót đều là đàn ông trưởng thành.”, ông Giacomo lưu ý.

Hòn đảo Lampedusa ở miền Nam nước Ý là một trong những cửa ngõ chính vào châu Âu của những người di cư băng qua Địa Trung Hải. Năm ngoái, hơn 46.000 người đã đến đảo này, trong tổng số 105.000 người đến Ý, theo UNHCR.

Đây là vụ chìm thuyền di cư mới nhất trên biển Địa Trung Hải.

Trước đó vào rạng sáng ngày 14/6, một chiếc thuyền chở khoảng 700 người di cư đã bị chìm ở Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Pylos, Hy Lạp. Chỉ có 104 người sống sót được giải cứu trong thảm kịch hàng hải nghiêm trọng nhất trong khu vực.

leftcenterrightdel
 Chiếc thuyền chở 50 di cư đang trôi dạt giữa Địa Trung Hải. Nguồn: Rainews.

Trong một tin tức liên quan, ngày 23/6, Tổ chức cứu hộ phi chính phủ Alarm Phone, cho biết, trước đó cùng ngày, đường dây nóng của họ đã nhận được cuộc gọi kêu cứu của một chiếc thuyền chở 50 người di cư khởi hành từ Libya, đang bị trôi dạt trên vùng biển quốc tế ở giữa Địa Trung Hải. 

Tin nói, những người di cư đang trong tình trạng tuyệt vọng và chờ được giải cứu. “Nước đang tràn vào thuyền, tình hình rất nguy cấp. Chúng tôi kêu gọi tất cả các cơ quan có liên quan đừng để họ chết đuối.”, lời kêu gọi của, Alarm Phone viết. 

Trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 16/6 tại Geneva, IOM và UNHCR kêu gọi hành động khẩn cấp và quyết đoán để ngăn chặn thêm những cái chết trên biển; nhấn mạnh, tìm kiếm và cứu nạn trên biển là một mệnh lệnh pháp lý và nhân đạo và, nghĩa vụ giải cứu những người gặp nguy hiểm trên biển không chậm trễ là một quy tắc cơ bản của luật hàng hải quốc tế.

Văn Phong/Alarabiya, UNHCR, Rainews