Hôm 26/5, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết, nước này không tài trợ cho khủng bố như cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ, điều đã ngăn cản Ankara ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển nói, nước này là nhà tài trợ chính cho các tổ chức nhân đạo ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Syria thông qua các tổ chức toàn cầu, chủ yếu là đại diện Liên hợp quốc trong khu vực, bao gồm cả ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thụy Điển không cung cấp bất kì hỗ trợ tài chính hay quân sự nào cho Cơ quan tự trị Bắc và Đông Syria (AANES), Hội đồng Dân chủ Syria (SDC), Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hoặc YPG / YPJ", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy  Điển nói.

Tại Syria, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) thực hiện các hoạt động hỗ trợ ở tất cả các vùng của nước này, nơi có yêu cầu, tuyên bố lưu ý.

Hôm 25/5, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ không tiến triển trừ khi họ giải quyết những lo ngại về an ninh của Ankara.

leftcenterrightdel
 Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: Reuters / Johanna Geron / Pool.

Liên quan đến vấn đề, hôm 26/5, trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Pháp Macron đã yêu cầu ông Erdogan tôn trọng sự lựa chọn mang tính chủ quyền của của Phần Lan và Thụy Điển khi gia nhập NATO, hi vọng tránh được việc Ankara phủ quyết.

"Tổng thống nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng sự lựa chọn mang tính chủ quyền của hai quốc gia này, vốn nảy sinh từ quá trình dân chủ và phản ứng với những thay đổi trong bối cảnh an ninh.", Văn phòng Tổng thống Pháp Macron cho biết sau cuộc điện đàm Macron- Erdogan.

Hôm 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt lập trường trung lập suốt nhiều thập kỉ sau khi Nga thực hiện hoạt động quân sự ở Ukraine.

Để có thể gia nhập NATO, các ứng cử viên phải nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên của liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO đang ngăn chặn các nỗ lực của Helsinki và Stockholm, nói, cả hai nên ngừng chứa chấp và tài trợ cho các "tổ chức khủng bố" như PKK và chi nhánh của nó ở Syria, YPG.

Thụy Điển và Phần Lan cũng nằm trong số những nước áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ sau một chiến dịch quân sự của nước này chống lại YPG vào năm 2019, khiến Ankara tức giận.

Văn Phong/Dailysabah