Hôm 11/12, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler nhắc lại cam kết của nước này về việc chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Syria, sau khi an ninh được khôi phục ở quốc gia láng giềng có sự hiện diện phức tạp của các lực lượng quân sự của Nga, Mỹ và Iran.
Ông Guler nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ “không muốn lãnh thổ của một quốc gia khác” khi Ankara và Damascus mong muốn bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ rút quân khỏi Syria, một khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đồng ý với phe đối lập về hiến pháp mới và tiến hành tổng tuyển cử, hai điều kiện có thể mở đường chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Tây Á đã kéo dài hơn một thập kỷ.
|
|
Một đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông Idlib, Syria, ngày 28/2/2020. Ảnh: AP. |
Chính quyền Damascus thường đề cập đến sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc đất nước như một trở ngại cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa 2 nước. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sự hiện diện quân sự trong khu vực nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh, bao gồm “nhóm khủng bố PKK/YPG” (Đảng Công nhân người Kurd/ lực lượng dân quân người Kurd) đang kiểm soát phần lãnh thổ đông bắc Syria, ngay bên kia biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ phe đối lập ở Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 12 năm và gửi quân vào miền bắc nước này để “chống lại các nhóm khủng bố”.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tiếp nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn từ nước láng giềng phía nam.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, nói, kể từ năm 2016, các hoạt động quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp “giải phóng” các khu vực phía bắc Syria khỏi chủ nghĩa khủng bố và cho phép người dân tái định cư hòa bình.
|
|
Các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào phía Tây Bắc Syria, ngày 19/8/2020. Ảnh: AMN. |
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đưa ra ý tưởng hợp tác với Damascus trong các nỗ lực “chống khủng bố” vì PKK/YPG vẫn kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Syria, khiến chính quyền của Tổng thống al-Assad không thể kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, Syria thường xuyên lên án các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở lãnh thổ miền Bắc nước này.
Quan hệ giữa hai nước bắt đầu tan băng sau trận động đất ngày 6/2 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, khiến hơn 56.000 người ở cả hai nước thiệt mạng.
Cùng với các đồng minh của Syria là Nga và Iran, hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Syria al-Assad khẳng định việc Ankara rút quân đội khỏi lãnh thổ Syria là cách duy nhất để đạt được bình thường hóa quan hệ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sự sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Syria, tuy nhiên nhấn mạnh, Ankara sẽ không rời đi chừng nào những kẻ khủng bố còn ở gần biên giới nước này.