Hôm 2/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ, Moscow hi vọng Ankara sẽ "kiềm chế" trong việc phát động chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, sau khi ngày 1/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự nhắm vào YPG- chi nhánh của Đảng công nhân người Kurd (PKK, tổ chức chính trị cánh tả vũ trang dẫn đầu cuộc nổi dậy từ 1984 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này chỉ định là một tổ chức khủng bố) tại Syria.
"Chúng tôi hi vọng rằng Ankara sẽ kiềm chế các hành động có thể dẫn đến sự xấu đi nguy hiểm của tình hình vốn đã khó khăn ở Syria.", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố; nhấn mạnh, trong trường hợp không có thỏa thuận của chính phủ hợp pháp của Cộng hòa Ả Rập Syria, động thái như vậy, sẽ là hành vi vi phạm trực tiếp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và sẽ gây thêm leo thang căng thẳng ở nước này.
Bà Zakharova nêu rõ, Moscow ý thức sự quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia xuất phát từ các khu vực biên giới với Syria, tuy nhiên lưu ý, vấn đề chỉ có thể được giải quyết nếu quân đội Syria được triển khai trong khu vực.
|
|
Biên giới phía Bắc Syria giáp hoàn toàn với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: GM. |
Theo các điều khoản của thỏa thuận năm 2019, Nga, đồng minh chính của Damascus và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý đảm bảo lực lượng YPG rút khỏi các khu vực ở Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành các cuộc tuần tra chung.
Ankara đã tổ chức 4 chiến dịch ở miền bắc Syria kể từ năm 2016, đã tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch mới chống lại YPG kiểm soát các vùng lãnh thổ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng YPG ở Syria là khủng bố và là mối đe dọa an ninh quốc gia, thì Mỹ coi nhóm này là đồng minh, lực lượng nòng cốt giúp đẩy lùi lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS khỏi các khu vực rộng lớn của Syria.
Hôm 1/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ sự lo ngại, cảnh báo bất kì hoạt động quân sự mới nào cũng có thể gây rủi ro cho quân đội Mỹ vốn hiện diện ở Syria và phá hoại sự ổn định của khu vực.
Trong chuyến thăm Hatay, thành phố cực nam của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, Đại sứ Mỹ tại LHQ, Linda Thomas -Greenfield, đã nhắc lại sự phản đối của Washington đối với bất kì hành động quân sự nào trong khu vực.
|
|
Sự hỗ trợ của Mỹ đối với các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do YPG lãnh đạo đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận và tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra giữa hai đồng minh NATO. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đã cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ sự phản đối đối với bất kì quyết định tiến hành hoạt động quân sự nào ở biên giới phía Syria. Chúng tôi cho rằng không nên có những động thái dẫn đến phá vỡ các giới hạn ngừng bắn đã được thiết lập.", bà Linda Thomas -Greenfield nói; lưu ý, bất kì hành động nào như vậy sẽ không chỉ làm gia tăng đổ máu mà còn làm phức tạp thêm vấn nạn người di tản, bao gồm cả một số người có thể cố gắng vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các quốc gia bị lôi kéo vào cuộc nội chiến ở Syria, nơi Moscow ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad trong khi Ankara hậu thuẫn lực lượng đối lập (Quân đội Syria tự do-FSA). Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các bên đối địch trong cuộc xung đột kéo dài 11 năm ở Syria, nhưng đã có những phối hợp ở miền bắc nước này.
Theo các nhà hoạt động đối lập Syria, mặc dù chưa đưa ra bình luận chính thức nhưng những ngày gần đây, Nga đã điều máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang tới một căn cứ gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện “các chuyến bay bất thường” trên các khu vực do chính quyền Assad hoặc YPG kiểm soát.