Ngày 22/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng, Jen Psaki, cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga đã được thảo luận trước đó không còn nằm trong kế hoạch, mặc dù chính quyền Mỹ không đóng sập cánh cửa ngoại giao.
“Ở thời điểm này, tất nhiên, sự kiện này không nằm trong kế hoạch.”, bà Psaki nói khi trả lời câu hỏi về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Nga; tuy nhiên lưu ý, Washington sẽ không đóng cửa các cuộc tiếp xúc ngoại giao, ngay cả khi Nga leo thang tình hình.
Bà Jen Psaki cũng cho biết, vẫn có cơ hội để cho các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống của hai nước, nhưng không phải vào thời điểm này.
Trước đó, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine, Dmitry Kuleba, hôm 22/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Lavrov, do cho rằng Moscow “đã thể hiện rõ ràng việc từ bỏ con đường ngoại giao”. Mặc dù vậy, Mỹ cùng với đồng minh và đối tác vẫn nỗ lực có thể và sẵn sàng cho giải pháp ngoại giao để ngăn chặn tình huống tồi tệ của một cuộc xung đột.
"Không có ý nghĩa gì nếu tiếp tục cuộc gặp đó vào thời điểm này. Tôi đã tham khảo ý kiến của đồng minh và đối tác, tất cả đều đồng thuận, và hôm nay, tôi đã gửi cho Ngoại trưởng Lavrov một bức thư thông báo cho ông ấy về điều này.", ông Antony Blinken cho biết.
"Nước Mỹ và cá nhân tôi vẫn cam kết giải pháp ngoại giao nếu Nga chuẩn bị thực hiện các bước có thể tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế rằng, họ nghiêm túc trong việc giảm leo thang và muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác để hành động dựa trên các động thái của Nga và tình hình trên thực tế.", nhà ngoại giao Mỹ lưu ý.
|
|
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Jen Psaki, cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga hiện thời là không thích hợp, tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ cho giải pháp ngoại giao trong vấn đề Ukraine. Ảnh: Somodevilla / Getty. |
Xung đột ở miền đông Ukraine bắt đầu nổ ra từ năm 2014, sau cuộc đảo chính ở Kiev. Chính quyền Donetsk và Lugansk tại Donbass từ chối công nhận chính phủ mới của Ukraine và tuyên bố độc lập. Đáp lại, Kiev đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại 2 nước cộng hòa tự xưng.
Theo LHQ, xung đột trong 8 năm qua đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng và khoảng 44.000 người khác bị thương. Vấn đề giảm leo thang được thảo luận tại các cuộc gặp của các nhóm tiếp xúc. Thỏa thuận Minsk được lấy làm cơ sở, quy định việc cải cách hiến pháp, ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực đường biên.
Từ ngày 17/2, xung đột bùng phát trở lại ở Donbass và leo thang nghiêm trọng với hàng trăm vụ nổ mỗi ngày. Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau khiêu khích và vi phạm lệnh ngừng bắn.
Theo truyền thông Nga, xung đột ở Donbass tái bùng phát được thúc đẩy bởi các quốc gia phương Tây khi nỗ lực ‘bơm’ vũ khí cho Ukraine và cử huấn luyện viên quân sự tới nước này. Moscow đã nhiều lần kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí, vì điều này có thể kích động Kiev tham gia vào các cuộc phiêu lưu quân sự.
Hôm 21/2, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ly khai Lugansk (LRN) và Donetsk (DPR) ở Donbass, đông Ukraine, đồng thời chỉ thị đảm bảo duy trì hòa bình ở các nước cộng hòa. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định này được đưa ra trên cơ sở các quy định của Hiến chương Liên hợp Mỹ và nhiều quốc gia NATO đã lập tức phản ứng với động thái của Nga bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.