Hôm 21/2, sau phiên họp bất thường của Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước toàn dân, nói, ông cần đưa ra quyết định mà lẽ ra cần đưa ra từ lâu, đó là công nhận chủ quyền của LNR và DNR.

Ngay sau bài phát biểu trên truyền hình nhấn mạnh lịch sử hình thành của Ukraine, nhà lãnh đạo Nga đã ký hai sắc lệnh tại Điện Kremlin, công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Lễ ký có sự tham dự của người đứng đầu DNR, Denis Pushilin và người đứng đầu LNR, Leonid Pasechnik.

Từ ngày 17/2, xung đột bùng phát trở lại ở Donbass, đông Ukraine và leo thang nghiêm trọng với hàng trăm vụ nổ mỗi ngày. Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau khiêu khích và vi phạm lệnh ngừng bắn.

Trước nguy cơ một cuộc xung đột quân sự diện rộng, từ ngày 18/2. Hai nước cộng hòa tự xưng đã sơ tán phụ nữ, trẻ em và người già đến tỉnh Rostov, Nga ở bên kia biên giới; đến ngày 19/2 cùng công bố lệnh tổng động viên.

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga V. Putin ký các sắc lệnh công nhận DNR và LNR. Ảnh: Sputnik / Alexey Nikolskiy. 

Xung đột ở miền đông Ukraine bắt đầu nổ ra từ năm 2014, sau cuộc đảo chính ở Kiev. Chính quyền Donetsk và Lugansk tại Donbass từ chối công nhận chính phủ mới của Ukraine và tuyên bố độc lập. Đáp lại, Kiev đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại 2 nước cộng hòa tự xưng. 

Theo LHQ, xung đột trong 8 năm qua đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng và khoảng 44.000 người khác bị thương. Vấn đề giảm leo thang được thảo luận tại các cuộc gặp của các nhóm tiếp xúc. Thỏa thuận Minsk được lấy làm cơ sở, quy định việc cải cách hiến pháp, ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực đường biên.

Theo truyền thông Nga, xung đột ở Donbass tái bùng phát được thúc đẩy bởi các quốc gia phương Tây khi nỗ lực ‘bơm’ vũ khí cho Ukraine và cử huấn luyện viên quân sự tới nước này.

Moscow nhiều lần kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhấn mạnh điều này có thể kích động Kiev tham gia vào các cuộc phiêu lưu quân sự.

Văn Phong (theo truyền thông Nga)