Ngày 2/12, truyền thông Hàn Quốc dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, vào lúc 10h19’ ngày 1/12, giờ địa phương (1h19’ ngày 2/12, giờ Việt Nam và 3h19’ giờ Hàn Quốc), từ Căn cứ không quân Vandenberg ở bang California, Mỹ, Seoul đã phóng thành công vệ tinh do thám quân sự nội địa đầu tiên.

Vệ tinh được phóng bởi tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty công nghệ vũ trụ SpaceX, Mỹ.

Vụ phóng của Hàn Quốc diễn ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào khuya ngày 21/11, một động thái nhấn mạnh sự cạnh tranh an ninh ngày càng tăng giữa hai miền Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói, vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo khoảng 4 phút sau khi phóng, liên lạc thành công với trạm mặt đất tại California lúc 11h37’, với trạm mặt đất ở Hàn Quốc lúc 9h47’, giờ Seoul.

Vệ tinh sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2024 sau khi được kiểm tra trạng thái hoạt động trong vòng 4 - 6 tháng.

leftcenterrightdel
 Vệ tinh của Hàn Quốc được phóng bởi tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty công nghệ vũ trụ SpaceX, Mỹ. AFP

Vệ tinh trinh sát đầu tiên của quân đội Hàn Quốc là vệ tinh quỹ đạo thấp, quay quanh Trái đất ở độ cao từ 400- 600 km. Trên vệ tinh có gắn thiết bị chụp ảnh quang điện tử (EO) và thiết bị chụp ảnh hồng ngoại (IR), có thể tiếp cận các địa điểm nhất định nhiều lần trong một ngày để thực hiện nhiệm vụ giám sát và trinh sát.

Truyền thông Hàn Quốc nói, độ phân giải của hình ảnh vệ tinh chụp được ở mức 0,3m, có nghĩa vệ tinh có thể nhận diện được vật thể có kích thước 30 cm trên mặt đất, được đánh giá có tính năng vượt trội so với vệ tinh do thám của Triều Tiên vốn được cho có độ phân giải là 3m.

Quân đội Hàn Quốc đã xúc tiến Dự án 425 từ năm 2018 nhằm nghiên cứu và phát triển vệ tinh trinh sát riêng, để quan sát và đối phó với các mục tiêu chiến lược chính của miền Bắc. 

Khởi đầu với vệ tinh quang điện và hồng ngoại (EO/IR), Hàn Quốc có kế hoạch phóng thêm 4 vệ tinh quân sự radar khẩu độ tổng hợp (SAR) cỡ trung bình lớn (loại 800 kg) lên quỹ đạo cho đến năm 2025, tạo thành mạng lưới trinh sát từ trên không để giám sát Triều Tiên hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng từ Căn cứ Vandenberg, bang California, Mỹ /Bloomberg.

Vệ tinh EO/IR chụp được hình ảnh chi tiết bề mặt Trái đất nhưng có nhược điểm không thể xuyên qua các đám mây dày đặc, trong khi vệ tinh SAR có thể thu thập dữ liệu bất kể điều kiện thời tiết bằng hệ thống viễn thám.

Kế hoạch này dự kiến sẽ làm “nóng” cuộc chạy đua vũ trang trong không gian giữa hai miền Triều Tiên khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám đầu tiên Malligyong-1 lên quỹ đạo vào ngày 21/11, sau 2 lần thất bại hồi đầu năm nay và tuyên bố sẽ phóng thêm nhiều vệ tinh khác trong thời gian ngắn.

Truyền thông Triều Tiên cho biết, vệ tinh mới phóng của nước này đã chụp được ảnh các mục tiêu trọng yếu ở Hàn Quốc cũng như  ảnh căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng và căn cứ không quân Hickam ở Honolulu .

Các quan chức quân sự Hàn Quốc hy vọng các vệ tinh trinh sát sẽ đóng vai trò là “con mắt” cho hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain, nhờ khả năng phát hiện kịp thời hoặc các dấu hiệu cảnh báo sớm về một cuộc tấn công hạt nhân hoặc tên lửa tiềm tàng của Triều Tiên.

Hệ thống Kill Chain là trụ cột trong hệ thống răn đe ba trục của Hàn Quốc, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), hệ thống trừng phạt và đáp trả trên diện rộng (KMPR) nhằm đối phó với uy hiếp hạt nhân, tên lửa từ Triều Tiên.

Văn Phong (theo Yonhap)