Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến nhằm triệt hạ Hamas ở Gaza, tuy nhiên hoạt động quân sự sẽ chậm hơn về cường độ, nhắm vào mục tiêu cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tới dân thường, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết hôm 18/12, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Ông Gallant cho biết, người dân Palestine có thể trở về nhà ở phía bắc Gaza lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bùng phát ngày 7/10.

Cả ông Austin và Gallant đều không đưa ra mốc thời gian chuyển sang giai đoạn được mô tả là sử dụng chiến thuật tập trung vào mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm.

Hầu hết cư dân Palestine ở phía bắc Gaza đã buộc phải thực hiện yêu cầu của Israel sơ tán về phía nam dải đất để đảm bảo an toàn, trong bối cảnh các cuộc không kích và đấu súng dữ dội không ngừng.

“Chúng tôi sẽ sớm có thể phân biệt được các khu vực khác nhau ở Gaza. Ở những nơi mà chúng tôi đạt được nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ có thể chuyển dần sang giai đoạn tiếp theo và bắt đầu nỗ lực đưa người dân địa phương quay trở lại.”, ông Gallant cho biết trong một cuộc họp báo ở Tel Aviv.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/12. Ảnh: Kobi Gideon/GPO.

Israel đã chịu một áp lực quốc tế ngày càng gia tăng và mạnh mẽ về lệnh ngừng bắn khi hơn 19.000 dân thường Palestine thiệt mạng kể từ khi bắt đầu xung đột hôm 7/10, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ; hơn 50.000 người khác bị thương và hàng ngàn người trong diện mất tích, được cho có khả năng bị chôn vùi dưới các đống đổ nát.

Các chiến dịch pháo kích tàn khốc và không ngừng nghỉ trên không và trên bộ của Israel, mặc dù được nói nhắm mục tiêu vào Hamas, tuy nhiên đã tàn phá cơ sở hạ tầng dân sự, điện nước, nhà cửa dân cư, bao gồm cả trường học, bệnh viện và trại tị nạn. Nhiều khu vực dân cư ở Gaza biến thành vùng đất chết, không thể ở được.

Mỹ, quốc gia sát cánh và hỗ trợ tích cực cho Israel, bao gồm hỗ trợ ngoại giao, tinh thần và vật chất, trong cuộc chiến chống Hamas, nhưng gần đây Washington đã có giọng điệu cứng rắn hơn đối với chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Israel có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ quốc tế vì cái mà ông gọi là đánh bom bừa bãi ở Gaza.

leftcenterrightdel
 Israel sẽ dần giảm cường độ các cuộc tấn công ở Gaza, chuyển sang nhắm vào các mục tiêu cụ thể. Nguồn: IDF.

Ông Biden cũng nói rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nên thay đổi chính phủ theo đường lối cứng rắn của mình và cuối cùng, Israel “không thể nói không” với một nhà nước Palestine độc lập, điều mà những người theo đường lối cứng rắn của Israel phản đối.

Phát biểu có phần gay gắt của ông Biden được đưa ra khi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chuẩn bị tới Trung Đông để hội đàm với các bên liên quan về cuộc xung đột Israel- Hamas.

Ông Biden cho biết, cố vấn Sullivan sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ với Israel, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ mạng sống dân thường ở Gaza.

Cùng với việc truyền đạt quan điểm của ông Biden, trong cuộc gặp với giới chức Tel Aviv hôm 18/12, ông Austin cũng đưa ra lời trấn an, nói Israel không đơn độc và sự hỗ trợ của Mỹ đối với an ninh của Israel là không lay chuyển.

Các quan chức Mỹ đã kêu gọi Israel tập trung vào các cuộc tấn công tình báo nhằm vào giới lãnh đạo Hamas.

leftcenterrightdel
 Kể từ 17/12, các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo của LHQ sẽ được phép vào Gaza qua cửa khẩu Karem Shalom. Nguồn: @cogatonline.

“Điều đó không báo hiệu sự kết thúc của hoạt động. Nó có nghĩa là bạn đang chuẩn xác hơn, bạn đang tập trung hơn vào những mục tiêu cụ thể.”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói.

Trong một động thái liên quan, hôm 18/12, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Faisal bin Farhan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Ông Blinken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết khẩn cấp các nhu cầu nhân đạo ở Gaza và ngăn chặn xung đột lan rộng.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ lên án các cuộc tấn công liên tục của nhóm Hồi giáo vũ trang Houthi ở miền Bắc Yemen nhằm vào các tàu thương mại hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đỏ, đồng thời kêu gọi sự hợp tác quốc tế và “hành động tập thể” để duy trì an ninh hàng hải trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, vào sớm ngày 19/12 khi đang ở Bahrain, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tuyên bố vấn đề ở Biển Đỏ là một thách thức quốc tế đòi hỏi phải có hành động tập thể. “Vì vậy hôm nay tôi tuyên bố thiết lập “Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng”, một sáng kiến an ninh đa quốc gia mới quan trọng.”, ông Austin nói, cho biết, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha sẽ tham gia cùng Mỹ trong sứ mệnh mới, bao gồm các hoạt động tuần tra chung cũng như cung cấp hỗ trợ tình báo ở phía nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Văn Phong (theo Reuters)