Ném bom bừa bãi ở Gaza, Israel đang mất đi sự ủng hộ

Ngày 12/12, giờ Mỹ, Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn lập tức ở Gaza, với 3/4 số quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ.

“Cái giá để đánh bại Hamas không thể là nỗi đau khổ triền miên của tất thảy người dân Palestine.”, tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn viết.

Chính quyền Palestine hoan nghênh nghị quyết và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Israel phải tuân thủ. 

Trong một tuyên bố trên Telegram, Izzat El-Reshiq, một quan chức Hamas cũng đưa ra kêu gọi tương tự, nói Israel nên “chấm dứt hành vi xâm lược, diệt chủng và thanh lọc sắc tộc đối với người dân của chúng tôi”.

leftcenterrightdel
 Kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ ngày 12/12 về ngừng bắn ở Gaza. Ảnh: Reuters/Eduardo Munoz.

Mỹ và Israel, vốn cho rằng lệnh ngừng bắn chỉ mang lại lợi ích cho Hamas, đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này cùng với 8 quốc gia khác.

Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan tuyên bố, ngừng bắn đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho sự tồn tại của Hamas, “những kẻ khủng bố diệt chủng” quyết tâm hủy diệt Israel và người Do Thái.

Hôm 12/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Israel đã nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới trong cuộc chiến chống lại nhóm Hồi giáo vũ trang Palestine Hamas, tuy nhiên cảnh báo, Israel đang mất đi sự ủng hộ bởi các vụ ném bom bừa bãi vào Gaza

leftcenterrightdel
Hàng ngàn trẻ em thương vong trong các cuộc tấn công của Israel tại Gaza. Nguồn: Timesofgaza.

Nghị quyết hôm 12/12 đã nhận được 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng, tỉ lệ chênh lệch đáng kể so với một nghị quyết tương tự của LHQ vào tháng 10, vốn nhận được 121 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 44 phiếu trắng, diễn biến cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho Israel đang suy yếu.

Ông Biden cũng nói rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nên thay đổi chính phủ theo đường lối cứng rắn của mình và cuối cùng, Israel “không thể nói không” với một nhà nước Palestine độc lập, điều mà những người theo đường lối cứng rắn của Israel phản đối.

Phát biểu có phần gay gắt của ông Biden được đưa ra khi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chuẩn bị tới Trung Đông để hội đàm với nội các chiến tranh Israel.

leftcenterrightdel
  Quang cảnh đổ nát tại trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza. Ảnh: Reuters/Mohammed Al-Masri.

Ông Biden cho biết cố vấn Sullivan sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ với Israel, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ mạng sống dân thường ở Gaza

Theo Bộ Y tế Gaza, cuộc tấn công của Israel vào Gaza nhằm tiêu diệt Hamas đã giết chết ít nhất 18.400 người Palestine, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, làm bị thương gần 50.000 người kể từ ngày 7/10, hàng ngàn người khác mất tích.

Theo LHQ, cuộc xung đột cũng dẫn đến nạn đói, khiến 85% dân số Gaza phải rời bỏ nhà cửa và khiến dịch bệnh lây lan.

Israel đã phát động cuộc tấn công tàn khốc và không ngừng nghỉ vào Gaza để trả đũa cuộc đột kích xuyên biên giới hôm 7/10 của Hamas vào miền Nam nước này, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt 240 người khác làm con tin.

Nghị quyết của LHQ không mang tính ràng buộc nhưng mang sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc chiến. 

Hơn 37.000 tòa nhà ở Gaza bị phá hủy, hư hại

Theo hình ảnh vệ tinh, tổng cộng có 37.379 tòa nhà ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại ở các mức độ khác nhau do các cuộc tấn công của Israel, báo cáo của Trung tâm vệ tinh UNOSAT của LHQ nêu rõ.

Báo cáo lưu ý, số liệu thiệt hại tính đến ngày 26/11, thời điểm những bức ảnh được chụp để đánh giá mức độ tàn phá.

Các thống kê cho biết, trong số 37.379 tòa nhà ở Gaza bị tác động, có 10.049 tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, 8.243 tòa nhà khác bị hư hại đáng kể và hơn 19.000 tòa nhà bị thiệt hại ở mức độ vừa phải.

leftcenterrightdel
  Thi thể của những người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia, bắc Dải Gaza, ngày 31/10. Ảnh: Reuters.

“Thiệt hại nghiêm trọng nhất ghi nhận ở các tỉnh Bắc Gaza và Gaza, với 3.806 công trình bị hư hại ở Bắc Gaza và 6.243 công trình ở thành phố Gaza. Thành phố Gaza có số lượng công trình bị phá hủy cao nhất, với con số tổng cộng là 2.397.”, báo cáo của UNOSAT nói.

Tuần trước Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tình hình ở Dải Gaza đang xấu đi nhanh chóng do tần suất các cuộc tấn công của quân đội Israel ngày càng gia tăng.

Cấu thành tội ác chiến tranh!?

Trong một báo cáo, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền có nhà ở phù hợp, ông Balakrishnan Rajagopal, nhấn mạnh, việc Israel phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza là tội ác chiến tranh và có thể được coi là tội ác chống loài người nếu nhằm vào dân thường.

“Tiến hành các hoạt động thù địch với nhận thức sẽ phá hủy và làm hư hại một cách có hệ thống nhà ở và cơ sở hạ tầng dân sự, khiến toàn bộ thành phố, chẳng hạn như thành phố Gaza, không thể ở được đối với dân thường, là tội ác chiến tranh. Những hành động như vậy được coi là tội ác chiến tranh và khi chúng hướng tới chống dân thường thì cũng cấu thành tội ác chống loài người”, chuyên gia Rajagopal cho biết.

leftcenterrightdel
 Trẻ em đang là nạn nhân của cuộc chiến tàn khốc ở Gaza. Ảnh: Reuters/Fadi Shana.

Ông Rajagopal cho biết, việc ném bom có hệ thống hoặc quy mô lớn vào các tòa nhà dân cư, cơ sở dân sự và cơ sở hạ tầng đều bị nghiêm cấm theo luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự và luật nhân quyền.

Các tòa nhà dân cư, bệnh viện và xe cứu thương, nhà thờ, trường học, trại tị nạn cũng như cơ sở hạ tầng điện nước cho dân thường không phải là mục tiêu quân sự, ông Rajagopal nói, nhưng chúng đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng lưu ý, ngay cả trong trường hợp nhà ở dân sự có thể được các chiến binh sử dụng làm nơi trú ẩn, như cáo buộc trong các cuộc tấn công vào trại tị nạn Jabaliya, các cuộc tấn công vào toàn bộ tòa nhà đều bị cấm nếu chúng gây ra thiệt hại, tử vong và di dời một số lượng lớn dân thường.

“Không có quyền tự vệ nào được dẫn ra theo luật pháp quốc tế có thể biện minh cho các cuộc tấn công như vậy. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp quyền tự vệ được khẳng định trong bối cảnh chiếm đóng.”, chuyên gia LHQ kết luận.

 

Văn Phong/Reuters, Sputnik