Ngày 28/9, Tổng thống Cộng hòa Artsakh tự xưng (thường được gọi là Cộng hòa Nagorno-Karabakh), Samvel Shahramanyan, đã ký một sắc lệnh giải tán tất cả các tổ chức nhà nước của nước cộng hòa này kể từ ngày 1/1/2024, sau khi bị quân đội Azerbaijan đánh bại.

“Dựa trên ưu tiên đảm bảo an ninh vật chất và lợi ích sống còn của người dân Karabakh, có tính đến thỏa thuận đạt được thông qua sự hòa giải của chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga với đại diện của Cộng hòa Azerbaijan rằng việc đi lại tự do, tự nguyện và không bị cản trở của cư dân Nagorno-Karabakh, bao gồm cả quân nhân đã hạ vũ khí, được đảm bảo tài sản trên phương tiện của họ dọc hành lang Lachin, và được hướng dẫn bởi Điều 93 Hiến pháp Nagorno-Karabakh, quyết định đã được đưa ra: giải tán tất cả các cơ quan và tổ chức nhà nước thuộc cấp bộ cho đến ngày 1/1/2024, và Cộng hòa Nagorno-Karabakh (Artsakh) không còn tồn tại.”, sắc lệnh viết.

leftcenterrightdel
 Hơn một nửa dân số Nagorno-Karabakh đã tháo chạy khỏi khu vực ly khai để đến Armenia trong tuần qua. Ảnh: @Gegham_Artsakh.

Sắc lệnh cũng lưu ý, người dân Nagorno-Karabakh, bao gồm cả những người nằm ngoài biên giới của khu vực, nên làm quen với các điều kiện tái hòa nhập do Azerbaijan đưa ra và tự quyết định việc ở lại hay trở về Nagorno-Karabakh.

Ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố bắt đầu một chiến dịch “chống khủng bố”, chống lại lực lượng vũ trang ly khai người Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh. Chiến dịch của Azerbaijan kéo dài 24 giờ, trước khi cả hai bên đồng ý ngừng bắn do Nga làm trung gian.

Trước đó cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Azerbaijan đưa ra điều kiện ngừng bắn trong đó nhấn mạnh, cách duy nhất để đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực là rút vô điều kiện lực lượng quân sự Armenia khỏi vùng Karabakh và giải tán chính quyền (tự xưng) tại đây, bằng không cuộc tấn công sẽ tiếp tục đến cùng.

leftcenterrightdel
 Lãnh thổ Nagorno-Karabakh (màu đen). Nguồn: Aljazeera.

Chiến dịch của Azerbaijan khiến ít nhất 200 người Armenia thiệt mạng và gây ra một cuộc di tản lớn của người dân tộc Armenia sống ở Nagorno-Karabakh, đánh dấu sự kết thúc của nhiều thập kỷ xung đột giữa 2 cựu thành viên Liên Xô cũ.

Hôm 28/9, chính quyền Armenia cho biết, gần 70.000 người trong số khoảng 120.000 người dân tộc Armenia đã tháo chạy khỏi Nagorno-Karabakh sang nước này, sau khi Azerbaijan mở cửa hành lang Lachin, sau gần 10 tháng phong tỏa.

Vào tháng 12 năm ngoái, Azerbaijan đã phong tỏa hành lang Lachin, con đường duy nhất nối Nagorno-Karabakh với Armenia, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, nói rằng, sẽ không có người dân tộc Armenia nào bị bỏ lại ở Nagorno-Karabakh.

leftcenterrightdel
 Người dân tộc Armenia di tản khỏi Nagorno-Karabakh ngày 28/9. Ảnh: Alain Jocard/AFP.

Trong khi ngày 27/9, trong cuộc gặp với phái đoàn đại diện chính phủ Mỹ, Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, cam kết bảo vệ quyền của người Armenia sinh sống tại Karabakh phù hợp với luật pháp nước này và nghĩa vụ quốc tế.

Ông Aliyev nhấn mạnh, giống như các dân tộc thiểu số khác sống ở Azerbaijan, quyền của người Armenia sẽ được đảm bảo trong khuôn khổ luật pháp nước này và các nghĩa vụ quốc tế.

Ông Aliyev cũng cho biết, các cuộc thảo luận về tái hòa nhập đang được tiến hành giữa đại diện của Azerbaijan và người dân Armenia ở Karabakh.

Nagorno-Karabakh là một khu vực ở cao nguyên Transcaucasus, từ lâu đã là đối tượng tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan, 2 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Phần lớn dân số ở đây là người Armenia.

leftcenterrightdel
 Khung cảnh ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Sputnik / David Galstyan.

Năm 1923, khu vực này nhận được quy chế là khu tự trị trong Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan. Năm 1988, phong trào ly khai bắt đầu ở Nagorno-Karabakh, được Armenia hậu thuẫn. Ngày 2/9/1991, khu tự trị tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan, đổi tên thành Cộng hòa Artsakh.

Từ năm 1992 đến 1994, Azerbaijan đã cố gắng giành quyền kiểm soát nước cộng hòa tự xưng, thực hiện những hoạt động quân sự quy mô lớn, khiến hơn 30 nghìn người thiệt mạng.

leftcenterrightdel
 Người di tản Artsakh tại Trạm nhân đạo Goris, Armenia 28/9/Ianaavanesian.

Năm 1994, các bên đã đồng ý ngừng bắn, nhưng tình trạng của nước cộng hòa vẫn chưa được xác định. Vào cuối tháng 9/2020, giao tranh tái bùng phát ở Nagorno- Karabakh, gây nhiều thương vong.

Đêm 10/11/2020, Azerbaijan và Armenia, với sự trung gian hòa giải của Nga, đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn, giữ nguyên các vị trí chiếm đóng và trao đổi tù binh.

Theo thỏa thuận đạt được, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga bắt đầu đóng quân trong khu vực, bao gồm cả hành lang Lachin. Tuy nhiên từ đó đến nay, xung đột trong khu vực tranh chấp vẫn tiềm ẩn với những cuộc xung đột nhỏ âm ỉ.

Văn Phong/CNN, Aljazeera, Sputnik