Azerbaijan và chính quyền Nagorno-Karabakh tự xưng, thông qua sự trung gian của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, đã đồng ý chấm dứt hoàn toàn các hoạt động chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 20/9.
“Thông qua sự hòa giải của chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, một thỏa thuận đã đạt được giữa phía Azerbaijan và đại diện của Nagorno-Karabakh về việc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch. Việc thực hiện các thỏa thuận này sẽ được thực hiện với sự phối hợp của chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Chính quyền Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng cũng ra thông báo nói, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu lúc 13h chiều ngày 20/9 giờ địa phương.
|
|
Mọi người bỏ chạy khi nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh. Nguồn: Artsakh Public TV/Handout/Reuters. |
Ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố bắt đầu một chiến dịch “chống khủng bố”, chống lại lực lượng vũ trang ly khai người Armenia ở khu vực Artsakh (Cộng hòa Artsakh tự xưng, thường được biết đến với tên gọi Cộng hòa Nagorno- Karabakh).
“Để đảm bảo các điều khoản tuyên bố ba bên, ngăn chặn các hành động khiêu khích quy mô lớn ở khu vực kinh tế Karabakh, giải giáp và rút lực lượng vũ trang Armenia khỏi lãnh thổ của chúng tôi, vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của họ, đảm bảo an toàn cho dân thường quay trở lại lãnh thổ đã được giải phòng, cũng như khôi phục hệ thống hiến pháp của Azerbaijan, chúng tôi đã triển khai các biện pháp chống khủng bố địa phương trong khu vực.”, thông báo của Bộ quốc phòng Azerbaijan nói.
|
|
Đã có những thiệt hại về hạ tầng dân sự tại các khu dân cư ở Nagorno-Karabakh. Nguồn: Siranush Sargsyan/AP. |
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, kể từ 12h ngày 19/9, lực lượng gìn giữ hòa bình nước này đã ghi nhận nhiều hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn của phía Azerbaijan dọc theo toàn bộ tuyến tiếp xúc ở Nagorno-Karabakh.
Các nhân viên y tế thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã điều trị cho 9 công dân bị thương, trong đó có 4 trẻ em.
Theo Tổng thống Nga Putin, hơn 2.000 thường dân Nagorno-Karabakh, trong đó có hơn 1.000 trẻ em, hiện đang được cung cấp chỗ ở tại căn cứ chính được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sử dụng trong khu vực.
|
|
Người dân Nagorno-Karabakh lánh nạn để bảo đảm an toàn cho trẻ em. Nguồn: Siranush Sargsyan/AP. |
Đại sứ lưu động của Armenia, Edmon Marukyan, nói, các đợt pháo kích dữ dội nhắm vào Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh và nhiều thành phố khác. Ông Marukyan cũng cung cấp các hình ảnh cáo buộc lực lượng Azerbaijan nhắm mục tiêu vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.
Nhà ngoại giao Armenia đã kêu gọi Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột mới tái diễn ở Nagorno-Karabakh, yêu cầu Washington bảo vệ dân thường trong khu vực.
“Giờ đây, bây giờ đến lượt Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế xem xét những biện pháp nào sẽ được sử dụng để ngăn chặn hành vi gây hấn và tấn công quân sự nhằm vào dân thường đang chết đói ở Nagorno Karabakh.”, ông Marukyan đề nghị.
Theo chính quyền Cộng hòa Nagorno- Karabakh tự xưng, các cuộc tấn công đã gây thương vong lớn, bao gồm dân thường.
Theo hãng tin Armenpress, các cuộc tấn công của Azerbaijan đã khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Trước nguy cơ xung đột tái bùng phát, truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, quân đội nước này đã liên lạc cả với phía Armenia và Azerbaijan, trong đó kêu gọi các bên tuân các quy định của các tài liệu mà ba bên ký kết trước đây.
Nagorno-Karabakh là một khu vực ở cao nguyên Transcaucasus, từ lâu đã là đối tượng tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan, 2 thành viên thuộc Liên Xô cũ. Phần lớn dân số ở đây là người Armenia.
Năm 1923, khu vực này nhận được quy chế là khu tự trị trong Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan. Năm 1988, phong trào thống nhất với Armenia bắt đầu ở Nagorno-Karabakh, được Yerevan hậu thuẫn. Ngày 2/9/1991, khu tự trị tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan, đổi tên thành Cộng hòa Nagorno-Karabakh.
Từ năm 1992 đến 1994, Azerbaijan đã cố gắng giành quyền kiểm soát nước cộng hòa tự xưng, thực hiện những hoạt động quân sự quy mô lớn, khiến hơn 30 nghìn người thiệt mạng.
|
|
Người dân Karabakh sơ tán đến căn cứ lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. |
Năm 1994, các bên đã đồng ý ngừng bắn, nhưng tình trạng của nước cộng hòa vẫn chưa được xác định. Vào cuối tháng 9/2020, giao tranh tái bùng phát ở Nagorno- Karabakh, gây nhiều thương vong.
Đêm 10/11/2020, Azerbaijan và Armenia, với sự hỗ trợ của Nga, đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn, giữ nguyên các vị trí chiếm đóng và trao đổi tù binh. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đóng quân trong khu vực, bao gồm cả hành lang Lachin. Tuy nhiên từ đó đến nay, xung đột trong khu vực tranh chấp vẫn tiềm ẩn và âm ỉ.