Hôm 3/1, công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria và công ty khí đốt nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ BOTAS đã ký một thỏa thuận dài hạn, cho phép Sofia tiếp cận các kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của quốc gia láng giềng phía đông nam.

Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết, thỏa thuận kéo dài 13 năm dự kiến cung cấp 1,5 tỉ m3 khí đốt mỗi năm tới Bulgaria và góp phần tăng cường an ninh nguồn cung ở Đông Nam châu Âu.

Bulgaria, quốc gia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, đang cố gắng đảm bảo nguồn cung thay thế với giá cả phải chăng sau khi Moscow ngừng giao hàng vào tháng 4/2022 do Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga.

leftcenterrightdel
 Các Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez (bên trái) và Bungari Rossen Hristov (bên phải) chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận khí đốt giữa 2 công ty khí đốt của hai nước, ở Sofia, Bungaria, ngày 3/1. Nguồn: Dailysabah.

Theo thỏa thuận, khí đốt tự nhiên mà Bulgaria sẽ mua từ các thị trường quốc tế sẽ được xử lý tại các kho cảng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ và được vận chuyển bằng đường ống qua mạng lưới khí đốt của BOTAS đến Bulgaria.

“Thỏa thuận sẽ đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu, đặc biệt là Bulgaria. Đây cũng là một trong những bước quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm trung chuyển khí đốt,” ông Donmez nói.

Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria, Rossen Hristov, bày tỏ, với thỏa thuận này, Sofia đang tìm được cơ hội mua khí đốt từ tất cả các nhà sản xuất toàn cầu và trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phù hợp nhất với Bulgaria về mặt hậu cần.

leftcenterrightdel
 Cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, do BOTAS điều hành. Ảnh: Reuters.

Ông Hristov cho biết Bulgaria muốn sử dụng hạ tầng kho cảng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ và ký kết các thỏa thuận nhập khẩu với các nhà sản xuất LNG của châu Âu và Mỹ.

Hiện tại, Bulgaria nhập khẩu 1 tỉ m3 khí đốt/năm từ Azerbaijan và khoảng 3 tỉ m3/ năm, thông qua nhập khẩu LNG từ Hy Lạp.

Với thỏa thuận mới, Bulgaria sẽ cùng lúc nhập khẩu khí đốt từ 3 nguồn, qua Thổ Nhĩ Kỳ, qua Hy Lạp (bắt đầu từ năm 2024) và từ Azerbaijan, mỗi nguồn cung chiếm 1/3 sản lượng nhập khẩu.

leftcenterrightdel
 Hệ thống đường ống dẫn khí đốt TurkStream. Nguồn: rferl

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khí đốt chủ yếu của Nga với sản lượng chiếm 45% vào năm 2021, phần còn lại từ Iran và Azerbaijan.

Vào tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra ý tưởng thành lập một trung tâm trung chuyển khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, đúng như kỳ vọng của Ankara, sau các vụ nổ làm hư hỏng 2 đường ống khí đốt Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc) của Nga tới châu Âu (qua Đức) dưới Biển Baltic.

Ông Hristov nói, Bulgaria không thể kiểm soát nguồn khí đốt nào sẽ chảy vào nước này, nhưng Sofia sẽ đảm bảo rằng họ sẽ ký các thỏa thuận cung cấp LNG không phải từ Nga.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên phải), Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khai trương Dự án Turkstream tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/1/2020. Nguồn: Kremlin.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang vận chuyển khí đốt qua đường ống đến Bulgaria và xa hơn nữa là châu Âu thông qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020, một dự án do Nga chủ công, trị giá 7,8 tỉ USD, trong nỗ lực cắt giảm quá trình trung chuyển khí đốt qua Ukraine.

Đường ống bao gồm 2 tuyến ngoài khơi dài 930 km và hai nhánh trên đất liền dài 142 và 70 km, công suất 31,5 tỉ m3/ năm, trong đó một nửa sử dụng cho nhu cầu trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ, một nửa được tiếp tục xuất khẩu sang Balkan và Trung Âu, bao gồm Bulgaria, Serbia và Hungary.

Văn Phong/Dailysabah, Rferl