Hôm 26/7, Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp bất thường để thảo luận về đề xuất các quy tắc khẩn cấp yêu cầu mỗi quốc gia thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, trong bối cảnh Nga đang giảm dần nguồn cung khí đốt và có thể tiến tới ngừng hoàn toàn.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin DPA, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói, EU nên chuẩn bị cho tình huống nguồn cung khí đốt từ Nga ngừng hoàn toàn.

"Hiện tại Nga đang cung cấp một phần hoặc không cung cấp khí đốt cho 12 quốc gia thành viên EU. Do đó, châu Âu phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất, đó là việc ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn sẽ xảy ra sớm hay muộn.", bà von der Leyen cảnh báo. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, cảnh báo tình huống Nga ngưng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ảnh: EPA-EFE / Julien Warnand.

Chủ tịch EC kêu gọi các nước thành viên, bao gồm cả các quốc gia ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, cùng tham gia vào các nỗ lực tiết kiệm năng lượng, bởi theo bà, cuộc khủng hoảng khí đốt sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước thành viên, vốn có nền kinh tế giao thoa lẫn nhau.

Liên quan đến vấn đề, phát biểu trên kênh truyền hình ARD hôm 25/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, Robert Habeck, cảnh báo tình thế nghiêm trọng về năng lượng ở nước này trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục cắt giảm.

"Chúng tôi đang gặp phải một tình huống nghiêm trọng. Đã đến lúc mọi người phải ý thức điều đó.", ông Habeck nói, lưu ý, Đức phải cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ và các biện pháp phải được thực hiện liên tục.

Ông Habeck nhắc đến một số nguồn cung cấp khí đốt bổ sung từ Hà Lan và Na Uy, tuy vậy vẫn nhấn mạnh giải pháp tiết kiệm, lường trước các kịch bản có thể xảy ra vào mùa đông tới.

leftcenterrightdel
 Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu đã cắt giảm 60% công suất từ giữa tháng 6 và sẽ tiếp tục cắt giảm từ ngày 27/7. Ảnh: Reuters.

Theo ông Habeck, nguồn cung cấp khí đốt cho ngành công nghiệp sẽ giảm trước khi các khu dân cư và các bệnh viện sẽ bị thiếu khí đốt.

Trước khả năng một số chuỗi sản xuất nhất định ở Đức và châu Âu bị gián đoạn do thiếu nhiên liệu, Phó Thủ tướng Đức cho rằng, nước này phải tránh tình huống khủng hoảng năng lượng bằng mọi giá với việc cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt từ 15-20%.

Hôm 25/7, hãng khí đốt hàng đầu của Nga Gazprom thông báo sẽ tạm dừng hoạt động của một tuabin Siemens khác do đã đến thời hạn bảo hành sửa chữa, điều sẽ dẫn đến công suất của trạm nén Portovaya đẩy qua đường ống Nord Stream 1 giảm xuống gần một nửa, từ 67 triệu m3 xuống còn 33 triệu m3 một ngày. 

Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt cho EU trước khi tiến hành cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng Hai.
Tuy nhiên đường ống Nord Stream 1 chỉ hoạt động ở mức 40% công suất (67 triệu m3/ ngày) kể từ giữa tháng 6 do việc sửa chữa một tuabin bị chậm trễ. 

Mặc dù vấn đề sau đó đã được giải quyết, tuy nhiên, Gazprom cho biết vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến các lệnh trừng phạt của EU và Anh, và vấn đề này phải được hóa giải trước khi tuabin được lắp đặt trở lại, trong khi các tuabin khác có thể cũng cần được sửa chữa.

Đáp lại, Ủy ban châu Âu tuyên bố các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga không bao gồm thiết bị vận chuyển khí đốt.

Văn Phong/TASS, Reuters