20.000 quân, gồm binh sĩ, cảnh sát và biên phòng đã được tăng cường dọc biên giới với Belarus, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan, Blazej Pobozy, cho biết.
Động thái của Ba Lan nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang dồn về biên giới, cố xâm nhập nước này từ Belarus.
Hôm 8/11, hàng nghìn người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã tiếp cận biên giới Ba Lan. Một số cố gắng phá vỡ hàng rào thép gai, trong khi lực lượng Ba Lan sử dụng hơi cay đối phó.
Các nhà chức trách Ba Lan ước tính, khoảng 12.000-14.000 người di cư bất hợp pháp có thể đang dừng chân ở Belarus. Theo Warsaw, chính phủ Belarus cố ý tiếp nhận những người này, để sau mở đường cho họ đến biên giới với Ba Lan, cửa ngõ vào châu Âu, điều Minsk bác bỏ.
|
|
Quân đội Ba Lan triển khai dọc biên giới với Belarus. Ảnh: VP Thủ tướng Ba Lan/Reuters. |
Phát biểu trong cuộc họp khẩn tại Hạ viện Ba Lan hôm 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Mariusz Blaszczak cảnh báo, tình hình ở biên giới với Belarus sẽ không lắng dịu mà sẽ tiếp tục leo thang.
Ông Blaszczak cho biết, 5 máy bay trực thăng đã được huy động và quân đội hỗ trợ lực lượng công binh hiện đang xây dựng hàng rào ở biên giới để ngăn người di cư, cho phép quân đội Ba Lan có thời gian phản ứng.
|
|
Lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan đối phó với làn sóng người tỵ nạn đang cố gắng xâm nhập nước này. Nguồn: RIA. |
Trong những tháng gần đây, Liva, Latvia và Ba Lan đã báo cáo sự gia tăng số lượng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới với Belarus. Theo số liệu mới nhất, hơn 30 nghìn người đã cố gắng nhập cảnh vào Ba Lan.
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Liva và Ba Lan đã trở nên nghiêm trọng vào ngày 8/11. Vài nghìn người đã tiếp cận biên giới Ba Lan từ phía Belarus và cắm trại, không rời khỏi khu vực. Một số người trong số họ đã cố gắng phá hàng rào dây thép gai để vào Ba Lan.
|
|
Ba Lan dựng hàng rào thép gai cùng với triển khai binh sĩ ngăn chặn làn sóng người tị nạn. Ảnh: Leonid Shcheglov / BelTA/AP. |
Liên minh châu Âu cáo buộc Minsk cố tình làm leo thang khủng hoảng và thúc giục các biện pháp trừng phạt nước này.
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, đã đổ lỗi cho các nước phương Tây, cáo buộc các hành động can thiệp của họ đã khiến người dân chạy trốn khỏi chiến tranh.
"Thực tế, người di cư đều đến từ các quốc gia đã trải qua sự can thiệp của phương Tây. Họ xác định không coi lãnh thổ Belarus là điểm đến cuối cùng. Họ muốn nộp đơn lên EU để xin quy chế tị nạn. Thế nhưng, họ lại đang bị xua đuổi. Các phát súng đang được bắn qua đầu họ và các thiết bị quân sự với vũ khí cỡ nòng lớn đang được chuyển tới biên giới.", Ngoại trưởng Belarus, Vladimir Makei, nói với hãng thông tấn BelTA.
|
|
Quân đội Litva gần biên giới với Belarus. Ảnh: Ints Kalnin/Reuters. |
Trước tình hình ở biên giới Ba Lan – Belarus, ngày 9/11, cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế ( IOM) đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia đảm bảo "sự an toàn và nhân quyền của người di cư và tị nạn".
UNHCR và IOM kêu gọi "một giải pháp khẩn cấp" cho tình huống đối đầu cùng với việc "tiếp cận lập tức và không bị cản trở" để cung cấp hỗ trợ nhân đạo và các hình thức bảo vệ khác cho người di cư.
Trước một số trường hợp tử vong thương tâm gần đây được ghi nhận tại khu vực biên giới trong bối cảnh nhiệt độ xuống thấp khi mùa đông bắt đầu, các cơ quan của Liên hợp quốc lưu ý các quốc gia "cấp thiết ngăn chặn thiệt hại thêm về nhân mạng" và đối xử nhân đạo với người di cư và người tị nạn, có đó là ưu tiên cao nhất.
|
|
Liên hợp quốc kêu gọi các hoạt động nhân đạo cho người di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan. Ảnh: Hội Chữ thập đỏ Belarus. |
Trong khi đó, Điều phối viên đặc biệt của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về Ứng phó với người tị nạn và di cư ở Châu Âu, Afshan Khan, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tồi tệ mà trẻ em di cư và tị nạn đang phải đối mặt ở châu Âu và tại các khu vực biên giới của châu Âu.
Liên quan đến tình hình người di cư, hôm 9/11, Quốc hội Litva đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong phạm vi 5km dọc biên giới với Belarus, bắt đầu có hiệu lực từ 10/11 và kéo dài 1 tháng. Quyết định này được đưa ra lần đầu tiên trong lịch sử của Litva độc lập được khôi phục năm 1991, nhằm đối phó với làn sóng người di cư.