Armenia và Azerbaijan đã chấp thuận một lệnh ngừng bắn mới để chấm dứt cuộc giao tranh tái bùng phát rạng sáng hôm 13/9, khiến 155 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng, thư ký Hội đồng An ninh Armenia, Armen Grigoryan, cho biết.

Cuối ngày 14/9, ông Grigoryan đã công bố thỏa thuận ngừng bắn mới trong một phát biểu trên truyền hình, có hiệu lực vài giờ trước đó, lúc 20h, giờ địa phương (23h, giờ Việt Nam).

Một ngày trước, hôm 13/9, một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, được thiết lập khẩn cấp và có hiệu lực vài giờ sau khi xung đột ở biên giới 2 nước bùng phát, đã nhanh chóng đổ vỡ. Tiếng súng vẫn tiếp tục vang lên ở biên giới Armenia – Azerbaijan.

Vài giờ trước tuyên bố của ông Grigoryan, Bộ Quốc phòng Armenia nói, các cuộc pháo kích đã chấm dứt, tuy vậy không đề cập đến bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

Không có thông tin nào từ Azerbaijan về thỏa thuận này.

Tuyên bố ngừng bắn diễn ra sau hai ngày giao tranh ác liệt, đánh dấu đợt bùng phát bạo lực đẫm máu mới giữa hai quốc gia vùng Kavkaz, bị cuốn vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ do tranh chấp lãnh thổ. 

leftcenterrightdel
  Vũ khí hạng nặng đã được sử dụng trong cuộc đụng độ mới nhất  giữa Armenia và Azerbaijan. Nguồn: AA.

Armenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau gây hấn.

Ông Pashinyan cho biết 105 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh rạng sáng ngày 13/9, trong khi phía Azerbaijan nói mất 50 binh sĩ. Chính quyền Azerbaijan cho biết, họ sẵn sàng đơn phương trao trả thi thể của khoảng 100 binh sĩ Armenia.

Trước diễn biến xung đột mới nhất, Armenia, nước có tiềm lực quân sự được cho là yếu hơn  Azerbaijan, đã yêu cầu Nga can thiệp theo các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau, cũng như kiến nghị lên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngày 14/9, sau một cuộc họp khẩn cấp của khối quân sự CSTO do Nga dẫn đầu, khối này cho biết, một phái đoàn của tổ chức này đã lên đường và sẽ tới Armenia vào ngày 15/9 để đánh giá tình hình.

Hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã phát sinh xung đột kéo dài hàng chục năm qua, chủ yếu do tranh chấp lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh, khu vực thuộc Azerbaijan nhưng có đông dân tộc Armenia sinh sống.

Người Armenia chiếm ưu thế ở lãnh thổ Nagorno-Karabakh đã đòi độc lập khỏi Baku vào những năm 1990 với việc tuyên bố thành lập Cộng hòa Nagorno-Karabakh (tự xưng). Trên thực tế, khu vực này duy trì tình trạng tự trị và nhận được sự hậu thuẫn từ Armenia kể từ đó.

Đến nay, nhiều cuộc giao tranh nổ ra giữa hai nước xung quanh khu vực tranh chấp khiến hàng ngàn người thiệt mạng, cơ sở hạ tầng, khu dân cư bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên cũng đã được thiết lập rồi sau đó bị vi phạm.

Văn Phong/Aljazeera