224 loài động thực vật mới, gồm 155 loài thực vật, 16 loài cá, 17 loài lưỡng cư, 35 loài bò sát và một loài động vật có vú đã được tìm thấy ở khu vực sông Mekong mở rộng thuộc Đông Nam Á.
Những phát hiện mới về động thực vật được nêu trong một báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), bao gồm một loài tắc kè đá mới (Thái Lan), một loài cây dâu tằm (Việt Nam) và một loài ếch đầu to (Việt Nam và Campuchia),...
|
|
Loài ếch đầu to mới được phát hiện. Nguồn: news.sky. |
Một số sinh vật gây tò mò hơn bao gồm loài voọc đuôi dài Popa Langur, được đặt tên theo ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, Mount Popa, nơi sinh sống của khoảng 100 cá thể, quần thể lớn nhất của loài. Ước tính có khoảng 200- 250 cá thể voọc loài này được cho là đang sống trong tự nhiên ở 4 địa điểm độc lập và đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, môi trường sống thu hẹp, hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác gỗ.
Với số lượng ít ỏi, loài này dự kiến sẽ được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp.
|
|
Voọc Popa đuôi dài. Nguồn: news.sky. |
Ngoài ra một loài cá hang động có màu trắng vàng nhạt trong suốt cũng được phát hiện ở Myanmar. Với những đặc điểm rất khác biệt so với các loài cá khác trong cùng họ, các nhà khoa học đã đặt hẳn một chi mới cho loài mới phát hiện.
|
|
Sa giông có sọc lưng được phát hiện ở Thái Lan. Nguồn: news.sky. |
WWF cho biết 224 khám phá mới đã chứng tỏ sự đa dạng sinh học của khu vực sông Mekong, bao gồm Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.
|
|
Một loại cây có mùi hăng thuộc họ gừng được tìm thấy ở Thái Lan. Nguồn: news.sky. |
Tiến sĩ Yoganand Kandasamy, người đứng đầu khu vực sông Mekong mở rộng về động vật hoang dã của WWF, cho biết, hơn 3.000 loài đã được phát hiện trong khu vực trong 24 năm qua, biến vùng này thành một trong những nơi khám phá loài mới nhiều nhất trên hành tinh.
|
|
Tắc kè đá cũng là một trong những loài mới được phát hiện. Nguồn: news.sky. |
Tuy nhiên đây cũng là khu vực mà động vật hoang dã đang phải đối mặt với những mối đe dọa, trong đó môi trường sống tự nhiên bị chia cắt và suy thoái; nơi các hoạt động định cư và phát triển của con người tiếp tục tác động tiêu cực môi trường tự nhiên.
"Những loài này là những sản phẩm tuyệt đẹp và khác thường của tạo hóa qua hàng triệu năm tiến hóa, nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng, với nhiều loài đã tuyệt chủng ngay trước khi chúng được mô tả.”, bà Kandasamy bày tỏ.