Hôm 13/9, các nhà nghiên cứu từ công ty công nghệ sinh học và di truyền học Colossal, Mỹ đã công bố nguồn đầu tư mới trị giá 15 triệu đô la, trong nỗ lực hồi sinh loài voi ma mút vốn đã tuyệt chủng gần 5.000 năm trước và đưa chúng trở lại tự nhiên.

Colossal được Ben Lamm, một doanh nhân công nghệ và George Church, giáo sư di truyền học tại trường Y khoa Harvard, người đã đi tiên phong các cách tiếp cận mới để chỉnh sửa gen, đồng sáng lập.

Những người ủng hộ dự án tin rằng, việc mang voi ma mút trở lại tự nhiên có thể giúp khôi phục hệ sinh thái lãnh nguyên mong manh ở Bắc Cực, chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và bảo tồn loài voi Châu Á có nguy cơ tuyệt chủng, loài có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với voi ma mút.

leftcenterrightdel
Loài voi mang hình hài và đặc tính của voi ma mút sẽ hồi sinh trong tương lai. Hình mô phỏng của L.calvetti. 

Các nhà khoa học đã đặt mục tiêu ban đầu tạo ra một con lai giữa voi Châu Á và voi Ma mút bằng cách tạo phôi trong phòng thí nghiệm mang DNA của voi ma mút. 

Điểm khởi đầu của dự án là lấy tế bào da của voi Châu Á, tái lập trình chúng thành các tế bào gốc mang DNA của voi ma mút. Các gen đặc biệt chịu trách nhiệm tạo ra lông voi ma mút, các lớp mỡ cách nhiệt và các khả năng thích nghi với khí hậu lạnh khác trích xuất từ xác một con voi ma mút bảo tồn dưới lớp băng vĩnh cửu, đồng bộ hóa với bộ gen của loài voi Châu Á.

leftcenterrightdel
 Xác của một con voi ma mút con được bảo quản hoàn hảo, được đặt tên là Lyuba, được trưng bày ở Hồng Kông năm 2012. Ảnh: Aaron Tam / AFP / Getty.

Những phôi lai sau đó sẽ được cấy vào tử cung của một con voi cái hoặc trong một tử cung nhân tạo. Nếu tất cả diễn ra đúng kế hoạch và không có gì trở ngại, các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có lứa voi con đầu tiên sau 6 năm nữa.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một con voi có khả năng chịu lạnh, nhưng nó sẽ trông giống như một con voi ma mút. Chúng có thể sinh sống trong điều kiện -40C và có những đặc tính như voi ma mút thực sự.”, giáo sư Church nói.

Giáo sư Church đã đi đầu trong lĩnh vực gen, bao gồm cả việc sử dụng CRISPR, công cụ chỉnh sửa gen mang tính cách mạng được mô tả là viết lại mã sự sống, để thay đổi đặc điểm của các loài sống. Công việc của ông tạo ra những con lợn có nội tạng tương thích với cơ thể người, đồng nghĩa với việc một ngày nào đó một quả thận cho một bệnh nhân có thể được lấy từ một con lợn.

Huy Anh/CNN, Theguardian