Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng) vừa thông tin một sự kiện thú vị, lần đầu tiên phát hiện trong lâm phần có sự hiện diện của Thỏ vằn Trường Sơn (tên khoa học là Nesolagus timminsi), một loài thú cổ trên dãy Trường Sơn, tình trạng đe dọa nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. Thông tin vừa được công bố trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu về thú Mammalia.

Đây được coi là một phát hiện gây bất ngờ đối với các nhà sinh vật học trong nước và quốc tế. Thỏ vằn Trường Sơn được phát hiện trong vùng rừng chỉ cách TP Đà Lạt 20km, vào tháng 9/2020, bởi các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu rừng nhiệt đới thuộc VQG Bidoup-Núi Bà, Viện Sinh thái học Miền nam (SIE), Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) và Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC).

leftcenterrightdel
Thỏ vằn Trường Sơn được phát hiện trong vùng rừng gần Đà Lạt, Lâm Đồng, thông qua bẫy ảnh. Ảnh: VQG Bidoup-Núi Bà.

Theo các tác giả nghiên cứu, Thỏ sọc Trường Sơn Nesolagus timminsi là một loài động vật gặm nhấm ít được biết đến, có tên trong Sách đỏ của IUCN và hiện được xếp ở nhóm nguy cấp (Endangered), có nguy cơ tuyệt chủng ở vùng sinh thái Trường Sơn của Việt Nam.

Sự phân bố đã biết của loài này trải dài từ Bắc đến Trung của dãy Trường Sơn. Tuy nhiên gần đây, hệ thống bẫy ảnh đã chụp được những bức ảnh về Thỏ vằn Trường Sơn tại VGQ Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng. Đây là những ghi nhận đầu tiên về vùng phân bố mở rộng của Nesolagus timminsi về phía nam của Nam Trường Sơn. Loài Thỏ sọc Trường Sơn được phát hiện là loài sống về đêm và chủ yếu sống đơn độc.

leftcenterrightdel
Thỏ vằn Trường Sơn vốn  được xác định phạm vi phân bố từ Bắc đến Trung dãy Trường Sơn. Ảnh: Trinh Viet Cuong/ novataxa.blogspot

Khu vực phân bố mới được phát hiện cách hơn 400km về phía Nam của vùng phân bố được biết tới trước đó.

“Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Thỏ vằn Trường Sơn trong dữ liệu thu được từ bẫy ảnh. Không ai ngờ rằng loài này lại xuất hiện ở một nơi cách xa so với vùng phân bố được biết tới. Điều này cho thấy chúng ta còn biết rất ít về vùng rừng Trường Sơn.”, TS. Andreas Wilting, nhà nghiên cứu từ Leibniz-IZW nói.

leftcenterrightdel
Thỏ sọc Trường Sơn được phát hiện là loài sống về đêm và chủ yếu sống đơn độc. Ảnh: VQG Bidoup-Núi Bà.

Theo TS. Lê Văn Hương- Giám đốc VQG Bidoup- Núi Bà, phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn loài Thỏ vằn Trường Sơn đang bị đe dọa toàn cầu. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để tìm hiểu hiện trạng quần thể của loài cũng như các yếu tố sinh thái ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài. Mặt khác, tìm hiểu khả năng khác biệt về mặt di truyền của quần thể so với các quần thể ở Bắc và Trung Trường Sơn.

VQG Bidoup-Núi Bà được xem là một trong những khu bảo tồn có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của Việt Nam. Các đợt khảo sát từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021 cũng đã ghi nhận được các loài như mang lớn, cầy vằn và gấu chó.

H.V/Bidoupnuiba, researchgate