Cây khủng như "quái thú" nghênh ngang trên quốc lộ giữa ban ngày

Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành vào cuộc

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe; nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2018.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các cây được chuyên chở trên các phương tiện như báo chí phản ánh; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2018.

Trước đó, từ ngày 27/3 báo Bảo vệ pháp luật đã liên tục có bài phản ánh về thực trạng xe chở cây khủng như “quái thú” nghênh ngang trên quốc lộ, với nhiều dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT đường bộ nhưng không gặp bất kỳ sự kiểm tra, cản trở nào từ phía lực lượng chức năng như CSGT, TTGT, Kiểm lâm…


 Cây khủng nghênh ngang trên QL1A đoạn qua Hà Tĩnh đêm 26/3 mà báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh

Đáng ngạc nhiên hơn, khi PV báo Bảo vệ pháp luật xác minh các Trạm, Phòng CSGT của Công an các tỉnh trên tuyến quốc lộ mà “quái thú” đi qua, đều nhận được câu trả lời là không gặp, không thấy xe chở cây gỗ lớn như “quái thú” này lưu thông trên đường, mặc dầu lực lượng tuần tra, kiểm soát của CSGT gần như hoạt động 24/24h trên các tuyến quốc lộ.

Ngay cả lực lượng Kiểm lâm, cũng chỉ biết và vào cuộc kiểm tra khi báo chí phản ánh. Trực tiếp ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo, yêu cầu Kiểm lâm các địa phương kiểm tra, xác minh nguồn gốc cây, việc khai thác các cây gỗ lớn này có giầy tờ hợp pháp hay không.

Về phía Bộ NN&PTNN, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Cục kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm các tỉnh có liên quan kiểm tra, xác định rõ nguồn gốc, chủng loại số cây gỗ khủng này, đồng thời xem xét trách nhiệm của Kiểm lâm, nếu có sai phạm, tiếp tay cho sai phạm thì xử lý nghiêm.

Cần làm rõ hồ sơ, nguồn gốc “quái thú”

Đối với 3 cây cổ thụ do DN Hải Sơn vận chuyện, bị CSGT Trạm Phú Lộc (Huế) xử phạt, buộc phải hạ tải ngay bên QL1A, chiều nay (04/4) Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã xác nhận có người đem hồ sơ đến nhận là chủ nhân của cây và chứng minh nguồn gốc 3 “quái thú” này là cây đa sộp, được khai thác từ Đắk Lắk. Cụ thể: 2 cây được khai thác tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) và 1 cây khai thác tại xã Ea Pil (huyện M’Đrắk).


 3 cây đa sộp khủng này có hồ sơ khai thác tại xã Ea Pil và Ea Hồ, huyện Krông Năng (Đắk Lắk), bị CSGT Công an Thừa Thiên Huế xử phạt, bắt hạ tải bên QL1A thuộc địa phận TX. Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Một “quái thú” được khai thác tại xã Ea Pil có nguồn gốc trên đất rẫy của ông Phạm Đình Thướng, ở thôn 3 xã Ea Pil, được khai thác vào ngày 12/3 để tặng cho ông Lương Anh Tuấn đưa về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Hai “quái thú” còn lại nằm trên đất rẫy của bà H’Yô Na Byă, ở thôn 4 xã Ea Hồ, được khai thác bán cho ông Đinh Công Quân, trú tại Thạch Thất (Hà Nội).

Thông tin trên Vietnamnet cho thấy, hồ sơ khai thác 2 cây đa sộp trên rẫy của bà H’Yô Na Byă có mâu thuẫn. Trong hồ sơ thể hiện đơn xin khai thác, vận chuyển 2 cây đa sộp này được bà H’Phi La Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận vào ngày 22/3.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng khẳng định thời gian đó trên địa bàn xã không có cây gỗ khủng nào được khai thác, vận chuyển đi, mà chỉ có duy nhất 1 cây đa sộp được khai thác tại xã Tam Giang trên đất rẫy của ông Nguyễn Ngọc Chung.

Bà H’Phi La Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ cũng khẳng định không hề ký giấy xin khai thác của bà H’Yô Na Byă vào đơn xin vận chuyển của ông Đinh Công Quân vào thời gian trên.


 2 trong số 3 cây đa sộp khổng lồ bị hạ tải kiểm tra ở Thừa Thiên Huế có bất thường về mặt hồ sơ, khi lãnh đạo và Kiểm lâm địa phương khẳng định không ký vào hồ sơ khai thác, vận chuyển như hồ sơ mà chủ nhân của cây trình cho Kiểm lâm Thừa Thiên Huế ngày 04/4.

Trước đó, trả lời báo chí ông Y Sy H’Đớk – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cũng nhận định, cây gỗ khủng đi trên QL1A qua địa bàn các tỉnh Miền Trung ngày 26/3 ra Hà Nội, là cây đa sộp được khai thác ở xã Tam Giang huyện Krông Năng.

Thông tin với PV, ông Nguyễn Hải Sơn- Giám đốc đơn vị vận chuyển cây cho biết, mỗi cây đa sộp cổ thụ được mua của người dân ở Đắk Lắk với giá từ 10 đến 15 triệu đồng. Sau đó thuê xe ủi, máy xúc làm đường rẫy vào để khai thác, vận chuyển cây nhiều mất ngày trời. Chi phí khai thác có cây đến 200 – 300 triệu. Tiền công vận chuyển từ Đắk Lắk ra Hà Nội mỗi cây trung bình 30 – 35 triệu. "Có khoảng 30 cây cổ thụ đã được khai thác, vận chuyển từ Đắk Lắk về Hà Nội từ Tết đến nay", ông Nguyễn Hải Sơn cho biết.

Bùi Văn