Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết ngay sau khi nắm bắt thông tin trên báo chí, ông đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Cục kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm các tỉnh có liên quan kiểm tra, xác định rõ nguồn gốc, chủng loại số cây gỗ khủng này.


 Thứ trưởng Hà Công Tuấn tại buổi họp báo. (Ảnh Vietnamnet)

“Tôi đã yêu cầu Kiểm lâm tiếp tục làm rõ, báo cáo nghiêm túc về Bộ NN&PTNT, nếu ai đó có sai phạm, tiếp tay thì buộc phải xử lý. Nếu ai đó xác nhận không đúng về nguồn gốc số cây này mà không phải Kiểm lâm thì báo cáo cơ quan Công an xử lý”, ông Tuấn nói.

Đang truy nguồn gốc 3 "quái thú" vô chủ

Diễn biến mới nhất về 3 cây gỗ cổ thụ do DN Hải Sơn (Quảng Bình) vận chuyển, bị CSGT Trạm Phú Lộc (Huế) phát hiện, xử phạt và bắt hạ tải ngày 30/3, đến chiều 03/4 vẫn chưa có ai đến nhận và cung cấp hồ sơ. Hiện 3 cây cổ thụ này đang nằm lại bãi đất trống bên đường tránh QL1A, đoạn đi qua phường Phú Bài (TX Hương Thủy).


 3 "quái thú" do DN Hải Sơn chở từ Đắk Lắk ra phía Bắc bị CSGT Thừa Thiên Huế xử phạt, bắt hạ tải ở bên QL1A ngày 30/3

Theo ông Trịnh Ngọc Thuận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy, chiều ngày 02/4 có một nhóm người đi trên xe ô tô BKS Hà Nội đến gặp cán bộ Kiểm lâm đang kiểm tra tại hiện trường cây gỗ cổ thụ, tự nhận là chủ hàng và cho biết sẽ cung cấp giấy tờ liên quan đến 3 “quái thú” này cho Kiểm lâm.

Tuy nhiên, ông Thuận cho biết, đến chiều 03/4 nay nhóm người này vẫn chưa đưa hồ sơ đến như đã nói: “Chiều hôm qua có nhóm người đến nhận là chủ hàng và hẹn đầu giờ chiều nay sẽ đem giấy tờ tới nhưng không thấy”.

Trước đó, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 01/4 đơn vị đã cử lực lượng đến hiện trường hạ tải cây gỗ khủng để kiểm tra, xác minh nguồn gốc, chủng loại của các cây.


 Lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đang kiểm tra, xác minh chủng loại, nguồn gốc cây gỗ khủng.

Đường đi của "quái thú"

Theo kiểm tra ban đầu, xác định trong 3 cây gỗ khủng này có 1 cây đa sộp cổ thụ. Đối chiếu với nguồn tin của báo Bảo vệ pháp luật, rất có thể cây đa cổ thụ này được khai thác tại thôn Giang Hòa, xã Tam Giang (huyện Krông Năng, Đắk Lắk).

Thông tin ban đầu, cây đa sộp này mọc trên rẫy của ông Nguyễn Ngọc Chung. Đầu tháng 3/2018 có một nhóm người đến xin mua và hướng dẫn ông Chung ký vào các giấy tờ, thủ tục khai thác cây gỗ này.

Sau khi khai thác, cây đa sộp này theo QL29 ra QL26, đi qua các huyện Ea Kar, M’Đrắk (Đắk Lắk), vượt đèo Phượng Hoàng về Ninh Hòa (Khánh Hòa), rồi xuôi QL1A ra Bắc, đến Huế thì bị CSGT Trạm Phú Lộc bắt giữ, xử phạt và yêu cầu hạ tải.


 Bầu gốc cây của 3 "quái thú" này lớn như một tòa nhà

Cây đa sộp này không phải là cây gỗ duy nhất được khai thác và vận chuyển theo cung đường này ra Bắc. Theo ông Nguyễn Hải Sơn, giám đốc đơn vị vận chuyển, thì chỉ riêng DN của ông thời điểm đó nhận chuyên chở 4 gốc cây cổ thụ, ngoài ra còn hàng chục cây gỗ lớn khác cũng được khai thác khắp các tỉnh Đắk Lắk, tập kết về đó và được các DN khác chuyển chở ra Bắc.


 Một "quái thú" đang trên QL26, đổ đèo Phượng Hoàng xuôi về QL1A giữa ban ngày, nhưng CSGT Công an nhiều tỉnh đều cho biết không thấy xe chở cây gỗ khủng nào trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên tuyến?!

Điều này, trái ngược với khẳng định của lãnh đạo các Phòng, Trạm CSGT chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến QL26, QL29 và QL1A mà PV báo Bảo vệ pháp luật đã xác minh, là trong thời gian đó không gặp, không thấy bất kỳ xe chở cây khủng như “quái thú” nào lưu thông trên đường. Trong lúc đó, báo Bảo vệ pháp luật lại thu thập được nhiều hình ảnh xe chở “quái thú” này xuôi QL26, vượt đèo Phượng Hoàng về TX. Ninh Hòa, theo QL1A ngược ra Bắc bất kể ngày, đêm.

Bùi Văn - CTV