Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có loạt bài phản ánh dấu hiệu sai phạm của liên danh nhà thầu RECO - EVNIC1 khi tham gia đấu và trúng thầu gói thầu số 5, số 6 tại BQL dự án các công trình điện Miền Trung. Cụ thể: Liên danh nhà thầu này đã bị tố giác có hành vi “nâng khống” năng lực tài chính trong hồ sơ dự thầu.
Kết quả, phía BQL dự án đã “hậu kiểm”, xác nhận có sự sai lệch số liệu về báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu với báo cáo doanh thu thuế thực tế hàng năm của liên danh nhà thầu này và đã hủy kết quả trúng thầu, chấm dứt hợp đồng đối với gói thầu số 5 để tổ chức đầu thầu lại.
Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin kịp thời, phản ánh chính xác!
Mới đây, Báo Bảo vệ pháp luật nhận được văn bản phản hồi của BQL dự án các công trình điện Miền Trung. Trong văn bản phản hồi này, lãnh đạo BQL dự án đã ghi nhận, cảm ơn Báo Bảo vệ pháp luật đã kịp thời thông tin, phản ánh khách quan, chính xác những dấu hiệu sai phạm của nhà thầu, để BQL dự án thực hiện đúng quy định pháp luật.
|
|
Văn bản của BQL dự án các công trình điện Miền Trung gửi Báo Bảo vệ pháp luật. |
Lãnh đạo BQL dự án cũng giải trình thêm một số nội dung liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu số 05, số 06: Xây lắp đường dây thuộc dự án Đường dây 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân.
Theo đó, phía BQL dự án khẳng định quá trình đánh giá lựa chọn nhà thầu đều tuân thủ quy định của HSMT được lập theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Liên danh nhà thầu trúng thầu là đơn vị có kinh nghiệm, đã từng tham gia xây dựng và hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ nhiều gói thầu thi công xây lắp các dự án đường dây 220kV/500kV.
“HSDT của Liên danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT. Liên danh nhà thầu là nhà thầu duy nhất có giá chào thấp nhất, thấp hơn dự toán gói thầu được duyệt. Các nhà thầu khác tham dự các gói thầu số 5, số 6 đều có giá chào vượt dự toán gói thầu được duyệt. Nhà thầu xếp hạng thứ hai cao hơn Liên danh nhà thầu 19,88 tỷ đồng (đối với gói thầu số 5) và 8,98 tỷ đồng (đối với gói thầu số 6)” – Văn bản phản hồi cho biết.
|
|
Ông Nguyễn Đức Tuyển (bên trái) làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật. |
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc BQL dự án các công trình điện Miền Trung, đối với gói thầu số 6, phía BQL dự án cũng đã tiến hành hậu kiểm đối với liên danh nhà thầu RECO - EVNIC1, đã tiến hành rà soát lại báo cáo tài chính thuế, so sánh với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, xác định năng lực tài chính của họ vẫn đáp ứng điều kiện hồ sơ mời thầu nên không chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà thầu này.
Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc BQL dự án các công trình điện Miền Trung cho biết, các gói thầu thuộc dự án cấp bách, đấu thầu lần thứ nhất các nhà thầu đều chào vượt giá dự toán:
“Đấu thầu 7 gói này, lần thứ nhất đều vượt giá, phải xử lý tình huống, lần thứ 2 cũng đều vượt giá. Phải đến lần thứ 4 xử lý lại mới được 1 nhà thầu chào dưới giá, còn 6 gói phải tổ chức đấu lại. Đấu thầu lại lần 2 cũng chỉ có 4 nhà thầu dưới giá, có 1 nhà thầu chấp nhận mất bảo lãnh để không làm (2 tỷ - PV), chỉ được 3 gói, trong đó có gói số 5. Khi gói số 5 đang triển khai hiện trường để làm thì nhận được thông tin từ báo phản ánh nên đã dừng, chấm dứt hợp đồng” . |
Liên quan đến việc này, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật cũng đã trao đổi với ông Phạm Lê Phú – Tổng Giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (đơn vị chủ đầu tư). Ông Phú ghi nhận thông tin, phản ánh từ Báo Bảo vệ pháp luật và cho biết quan điểm của ông cũng như Tổng công ty là mọi việc phải được làm minh bạch, rõ ràng, đúng quy định của pháp luật.
“Quan điểm của mình, cũng như của Tập đoàn là công tác đấu thầu phải được công khai, minh bạch, đúng quy định. Và đấu thầu qua mạng là công khai, minh bạch và được thực hiện nhiều nhất trong Tập đoàn. Không chỉ mình, mà cả Tập đoàn đều quán triệt cái gì cũng phải minh bạch, rõ ràng, không được khuất tất… Đây là dự án trọng điểm, tiến độ rất gấp, do đó mọi việc càng phải được minh bạch để tập trung vào công việc” – Ông Phạm Lê Phú cho biết.
Những kẽ hở cần bịt kín
Trong quá trình thực hiện loạt bài này, PV Báo Bảo vệ pháp luật đã tham vấn ý kiến chuyên môn từ nhiều chuyên gia về tài chính, đấu thầu, gần như đều nhận được những nhận định “quy định về báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu hiện nay đang có những kẽ hở nhất định”.
Luật sư Lê Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Hùng (Hà Tĩnh) cho biết, Nghị định 17/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định doanh nghiệp nào phải thực hiện kiểm toán định kỳ. Theo đó, nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm toán, thì khi dự thầu phải đính kèm báo cáo tài chính được kiểm toán trong hồ sơ dự thầu. Nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm toán thì không phải đính kèm báo cáo tài chính được kiểm toán, nhưng phải nộp kèm theo bản chụp được chứng thực một trong các tài liệu như: Biên bản kiểm tra quyết toán thuế; Tờ khai tự quyết toán thuế có xác nhận của cơ quan thuế; Tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử; Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế...
“Tuy nhiên, gần như các nhà thầu khi dự thầu đều nộp báo cáo kiểm toán độc lập. Mà số doanh thu trong báo cáo kiểm toán độc lập thường cao vượt trội so với báo cáo tài chính với cơ quan thuế. Cái này, có nhiều nguyên nhân, không loại trừ nguyên nhân nhà thầu muốn có số doanh thu đẹp, tự “kê khống” năng lực tài chính lên để hợp với bài mời thầu, nên cố tình dùng báo cáo kiểm toán chứ không muốn dùng báo cáo tài chính với cơ quan thuế”- Luật sư Lê Hùng cho biết.
|
|
Các nhà thầu thường nộp báo cáo tài chính từ kết quả kiểm toán độc lập. |
“Khi lựa chọn nhà thầu, BQL dự án thường chấm năng lực tài chính dựa vào hồ sơ nhà thầu cung cấp. Chỉ hậu kiểm khi có thông tin tố giác gian lận. Lúc đó, nếu xác định nhà thầu cung cấp báo cáo tài chính khác với báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế thì tổ chuyên gia, bên mời thầu phải xem xét tới tính chất của hai báo cáo tài chính này. Chỉ khi xác định cùng loại, cùng kỳ báo cáo nhưng chênh lệch về số liệu thì mới được là hành vi gian lận, khi đó nhà thầu mới bị xử lý theo khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu và khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014 của Chính phủ”- Luật sư Lê Hùng lý giải thêm.
Về thẩm quyền xử lý vi phạm, một chuyên gia cao cấp về đấu thầu cũng nêu ra những bất cập, như: Khi xác định nhà thầu có hành vi gian lận, thì hủy kết quả trúng thầu là chủ đầu tư, nhưng thẩm quyền cấm tham dự đấu thầu, cũng là của chủ đầu tư, trong khi Cục Quản lý đấu thầu lại chỉ có vai trò tham mưu, không được phán xét và ra quyết định cấm dự thầu đối với nhà thầu gian lận, trong lúc đây là cơ quan quản lý nhà nước về mặt chuyên môn.
“Đây là điểm bất cập, khi mà chủ đầu tư toàn quyền áp dụng các quy định của pháp luật khi phát giác nhà thầu gian lận. Lẽ ra quyền này, phải dành cho cơ quan quản lý nhà nước độc lập, không liên quan đến chủ đầu tư, có như vậy mới công tâm được.” – Chuyên gia đấu thầu cho biết.
Theo một chuyên gia cao cấp về đấu thầu “Sai phạm này phải bị cấm thầu theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 89 - Luật đấu thầu và khoản 1, Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Việc này do Chủ đầu tư quyết định. Còn Cục Quản lý đấu thầu nếu có trả lời, hướng dẫn thì cũng chỉ trả lời theo quy định của pháp luật và họ không có quyền phán xét, không có quyền cấm, ở đây quyền cấm là chủ đầu tư. Nếu không cấm thì có dấu hiệu lợi ích nhóm” .
Việc sai lệch doanh thu rất lớn của gói thầu như Bảo vệ pháp luật đã phản ánh trong các bài trước, lẽ ra chủ đầu tư phải huỷ kết quả đấu thầu của cả 2 gói và cấm đấu thầu với liên danh này. Vì nếu không cấm đấu thầu thì sẽ tạo tiền lệ xấu, các doanh nghiệp khác sẽ vô tư làm giả số liệu gấp nhiều lần doanh thu thật để dự thầu và đấu thầu. Vì họ biết, nếu bị phát hiện thì cũng chỉ huỷ kết quả đấu thầu và có thể tiếp tục tham gia đấu thầu lại.
Đó sẽ là sự coi thường và đứng trên pháp luật và là sự bao che có hệ thống của chủ đầu tư, tạo sự thiếu công bằng đối với các nhà thầu trung thực.
|
Thực tế hiện nay, đã có nhiều chủ đầu tư mạnh dạn ban hành văn bản cấm đấu thầu với nhà thầu có hành vi gian lận, nhưng đây là con số không nhiều, chỉ dừng lại ở hủy kết quả trúng thầu.
“Thực tế hiện nay, hành vi gian lận của nhà thầu trong đấu thầu rất đa dạng, tinh vi, ngoài gian lận kê khai nhân sự, máy móc, hợp đồng tương tự, thì nâng khống năng lực tài chính cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, khi phát hiện, xử lý lại chỉ viện vào lỗi khách quan, mà hiếm khi chỉ thẳng vào lỗi chủ quan của nhà thầu là cố ý làm sai lệch để đủ năng lực trúng thầu” – Chuyên gia đấu thầu cho biết.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu đã bị khởi tố. Các hành vi sai trái trong đấu thầu dần được đưa ra ánh sáng, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật về đấu thầu được siết chặt, có những hành vi gian lận diễn ra cách đây nhiều năm vẫn bị xử lý. Đây sẽ là áp lực buộc các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền không nương nhẹ trong xử lý với hành vi vi phạm về đấu thầu của nhà thầu như trước. Bởi nếu nể nang, không xử lý thì chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về quá trình tổ chức đấu thầu.
Theo quy định, hồ sơ dự thầu có thể được lưu giữ tới 10 năm sau khi kết thúc việc lựa chọn nhà thầu. Vì thế, hành vi gian lận, không trung thực trong việc kê khai năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu (nếu có) vẫn được lưu giữ nhiều năm ở các chủ đầu tư/bên mời thầu và có thể bị truy cứu trách nhiệm.