Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, Công ty TNHH Điện Địa Phương (có trụ sở ở phường 5, TP Tuy Hòa – Phú Yên); Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1 (có trụ sở ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã bị tố giác có hành vi “nâng khống” năng lực tài chính trong hồ sơ dự thầu để tham gia đấu thầu các gói thầu tại BQL dự án các công trình điện Miền Trung (Đà Nẵng).
Tố giác chỉ đích danh liên danh nhà thầu này không đủ năng lực để dự thầu và trúng thầu gói thầu số 5: Xây lắp đường dây từ ĐĐ đến G6 (bao gồm tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB) của Dự án đường dây 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân.
Giá trúng thầu của gói thầu này là 154,3 tỉ đồng (chỉ giảm so với giá mời thầu…40 triệu đồng?!), được Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia Phạm Lê Phú ký phê duyệt ngày 25/8/2021.
|
|
Trụ sở BQL dự án các công trình điện Miền Trung. |
Sau khi nhận thông tin phản ánh từ Báo Bảo vệ pháp luật, phía BQL dự án đã mời đại diện 2 nhà thầu trong liên danh đến làm việc, lập biên bản xác định rõ sự việc. Trong đó các nhà thầu đã xác nhận có sai lệch số liệu về báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu với báo cáo doanh thu thuế thực tế hàng năm.
Từ đây, BQL dự án đã quyết định hủy kết quả trúng thầu, chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà thầu đối với gói thầu số 5 để tổ chức đầu thầu lại.
Liên quan đến vụ việc này, ông Trương Tiến Hưng – Trưởng phòng đấu thầu thuộc BQL dự án các công trình điện Miền Trung cho biết, việc liên danh nhà thầu làm sai lệch hồ sơ năng lực tài chính để dự thầu là sai phạm đến mức hủy kết quả trúng thầu, chấm dứt hợp đồng, còn việc cấm thầu hay không thì cần phải xem xét đến lỗi cố ý của nhà thầu và khẳng định việc này đã có hướng dẫn của cơ quan cấp trên?!
|
|
BQL dự án đã chỉ ra nhà thầu kê khai trong hồ sơ dự thầu không chính xác. Ảnh chụp hồ sơ. |
Trước dấu hiệu bao biện của chủ đầu tư cho sai phạm của các nhà thầu trong việc “nâng khống” năng lực để dự thầu này, PV Báo Bảo vệ pháp luật đã tìm gặp chuyên gia cao cấp về đầu thầu, cũng như chuyên gia thuế về lĩnh vực này, được các chuyên gia chỉ rõ ra sai phạm có tính cố ý của các nhà thầu khi làm hồ sơ dự thầu.
Theo một chuyên gia cao cấp về đấu thầu, đây là sai phạm phổ biến, có tính hệ thống của rất nhiều nhà thầu khi làm hồ sơ dự thầu.
“Các doanh nghiệp lớn, doanh thu mỗi năm trên trăm tỉ thì không nói, nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh thu vài chục tỉ thì chuyện này không hiếm. Họ luôn đọc kỹ “đề bài” và tìm mọi cách làm hồ sơ “khớp” với đề bài để đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật nhằm tham dự và trúng thầu” – Chuyên gia này nói.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, Giám đốc các doanh nghiệp thừa biết doanh thu của mình mỗi năm, khi đặt tay ký vào báo cáo tài chính với cơ quan Thuế. Họ cũng thừa biết “đề bài” trong hồ sơ mời thầu yêu cầu về doanh thu tối thiểu cần phải đạt được. Do đó, họ luôn tìm cách, nói cách khác là cố ý để có hồ sơ năng lực tài chính đạt được yêu cầu, đáp ứng năng lực về tài chính để dự thầu.
|
|
Báo cáo tài chính của 2 nhà thầu trong liên danh. Ảnh chụp hồ sơ. |
Chuyên gia về tài chính, thuế doanh nghiệp cũng cho biết, Thuế luôn vào sau kiểm toán; báo cáo kiểm toán chỉ có tính tham khảo, còn báo cáo tài chính với cơ quan Thuế mới là báo cáo chính thức, được thừa nhận về mặt pháp lý tài chính.
“Việc kiểm toán đối với công ty cổ phần gần như bắt buộc, kết thúc năm tài chính kiểm toán sẽ vào làm việc. Đối với công ty TNHH thì họ chủ động mời kiểm toán và làm việc với Thuế, họ báo cáo và làm việc với Thuế là chính. Còn công ty cổ phần thì kiểm toán sẽ vào, kể cả không mời. Còn cơ quan Thuế, thông thường họ vào sau kiểm toán, kiểm tra theo kế hoạch. Thông thường 2 năm vào 1 lần, các doanh nghiệp lớn thì 1 năm làm 1 lần, vừa vừa nhỏ nhỏ thì 2 năm 1 lần” – Chuyên gia về thuế cho biết.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, cơ quan Thuế chỉ quan tâm về doanh thu và lợi nhuận, dựa trên hóa đơn thực tế. Họ không quan tâm hồ sơ kiểm toán.
“Thuế luôn vào sau kiểm toán, do đó hồ sơ Thuế là hồ sơ tài chính có tính pháp lý. Nếu doanh nghiệp có hồ sơ kiểm toán, số liệu có chênh lệch với kiểm tra thuế thì bắt buộc doanh nghiệp phải có báo cáo giải trình vì sao có sai lệch, phải giảm trừ. Sai lệch về số liệu thì bắt buộc phải có biên bản xác nhận lại và chỉ xác nhận lại theo số liệu của cơ quan Thuế” – Chuyên gia về thuế nói.
|
|
Số liệu thống kê theo tố giác của 2 nhà thầu có sự chênh lệch lớn về doanh thu. Ảnh chụp hồ sơ. |
Cũng theo vị chuyên gia này, không bao giờ có sai lệch lớn, nếu có sai lệch giữa báo cáo kiểm toán với báo cáo kiểm tra của cơ quan Thuế, thì chỉ sai lệch 5-7% tổng doanh thu. Ví dụ 100 tỉ chỉ sai lệch 1-2 tỉ, chứ không thể sai lệch đến cả 10 tỉ.
“Sai lệch doanh thu hàng năm trên chục tỉ đồng là vô lí. Đây là sự cố tình làm sai lệch, chứ không thể biện minh cho cách hiểu sai dẫn đến làm sai lệch số liệu trong báo cáo tài chính dự thầu” – Chuyên gia về thuế nhấn mạnh.
Cả 2 chuyên gia mà PV Báo Bảo vệ pháp luật tham vấn về nghiệp vụ, đều khẳng định đối với sai phạm của liên danh nhà thầu tại gói thầu số 5 nói trên, là “sai phạm rõ, là làm giả hồ sơ”.
“Sai phạm này phải bị cấm thầu theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 89 - Luật đấu thầu và khoản 1, Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Việc này do Chủ đầu tư quyết định. Còn Cục Quản lý đấu thầu nếu có trả lời, hướng dẫn thì cũng chỉ trả lời theo quy định của pháp luật và họ không có quyền phán xét, không có quyền cấm, ở đây quyền cấm là chủ đầu tư. Nếu không cấm thì có dấu hiệu lợi ích nhóm” – Chuyên gia cho biết.
Đối với việc sai lệch doanh thu rất lớn của hai gói thầu số 5 và số 6 nêu trên, lẽ ra chủ đầu tư phải huỷ kết quả đấu thầu của cả 2 gói và cấm đấu thầu với liên danh này. Vì nếu không cấm đấu thầu thì sẽ tạo tiền lệ xấu, các doanh nghiệp khác sẽ vô tư làm giả số liệu gấp nhiều lần doanh thu thật để dự thầu và đấu thầu. Vì họ biết, nếu bị phát hiện thì cũng chỉ huỷ kết quả đấu thầu và có thể tiếp tục tham gia đấu thầu lại. Đó sẽ là sự coi thường và đứng trên pháp luật và là sự bao che có hệ thống của chủ đầu tư, tạo sự thiếu công bằng đối với các nhà thầu trung thực.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an:"Đánh mạnh vào thủ đoạn lập "sân sau" trong đấu thầu"
Sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa. Những sai phạm này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ "sân sau", không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi "hoa hồng" của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm...
|