Năng lực tài chính trong hồ sơ dự thầu cao bất thường.

Theo nguồn tin riêng mà Báo Bảo vệ pháp luật nhận được (xin dấu tên nguồn tin) đã chỉ đích danh 3 công ty có hành vi làm giả hồ sơ năng lực tài chính để dự thầu và đã trúng thầu các công trình trên trăm tỉ ở Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (BQL dự án).

3 công ty bị tố cáo, gồm: Công ty TNHH Điện Địa Phương (có trụ sở ở phường 5, TP Tuy Hòa – Phú Yên); Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1 (có trụ sở ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và Công ty cổ phần đầu tư xây lắp điện Hải Phòng (có trụ sở ở phường Phù Liễn, quận Kiến An, TP Hải Phòng).

Cả 3 công ty này đều bị tố cáo đã nâng khống năng lực tài chính trong hồ sơ dự thầu, cao hơn rất nhiều so với năng lực tài chính thực sự, được thể hiện qua báo cáo doanh thu với cơ quan Thuế hàng năm.

leftcenterrightdel
 Đơn tố cáo được gửi đến báo Bảo vệ pháp luật. Ảnh chụp hồ sơ.

Điển hình: Công ty TNHH Điện Địa Phương có doanh thu thực tế năm 2020 (theo báo cáo tài chính với cơ quan Thuế) là 96,8 tỉ đồng (quy tròn). Nhưng thể hiện trong hồ sơ dự thầu là 150,9 tỉ đồng. Tương tự, năm 2019 là 67,3 tỉ đồng, nhưng thể hiện trong hồ sơ dự thầu là 145,8 tỉ đồng…

Đối với công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1: Năm 2018 báo cáo thuế có doanh thu là 31,8 tỉ đồng, nhưng trong hồ sơ dự thầu là 79,8 tỉ đồng. Đối với công ty cổ phần đầu tư xây lắp điện Hải Phòng: năm 2018 báo cáo Thuế là 506,4 tỉ đồng, nhưng thể hiện trong hồ sơ dự thầu là 509,5 tỉ đồng.

Theo thống kê, chênh lệch doanh thu trong hồ sơ tài chính dự thầu so với báo cáo tài chính Thuế từ năm 2017 đến 2020 của Công ty TNHH Điện Địa Phương là từ 54 tỉ đến cao nhất là 117 tỉ; của Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1 là từ 36 đến 48 tỉ đồng và Công ty cổ phần đầu tư xây lắp điện Hải Phòng là 3 tỉ đồng.

Làm giả năng lực tài chính để trúng thầu?

Theo hồ sơ tố cáo và điều tra, xác minh của PV Báo Bảo vệ pháp luật, ngày 25/8/2021, liên danh nhà thầu Công ty TNHH Điện Địa Phương - Công ty CP Xây dựng EVN Quốc tế 1 trúng thầu gói thầu số 5: Xây lắp đường dây từ ĐĐ đến G6 (bao gồm tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB) của Dự án đường dây 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân, với giá trúng thầu là 154,3 tỉ đồng (chỉ giảm so với giá mời thầu…40 triệu đồng?!). Thời gian thực hiện hợp đồng là 600 ngày (Theo văn bản phê duyệt số 1056/QĐ-EVNNPT ngày 25/8/2021 do Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia Phạm Lê Phú ký).

leftcenterrightdel
 Quyết định phê duyệt trúng thầu gói thầu số 5. Ảnh chụp hồ sơ.

Qua xác minh của PV Báo Bảo vệ pháp luật, liên danh nhà thầu này sử dụng báo cáo kiểm toán độc lập để dự thầu và trúng thầu, có dấu hiệu làm giả hồ sơ tài chính, sai lệch nâng cao so với số liệu quản lý của cơ quan quản lý thuế.

Cụ thể, trong tờ khai quyết toán thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế của Công ty TNHH Điện Địa Phương (MST: 4400246051) thì doanh thu thực tế hàng năm như sau: Năm 2020: 96,8 tỉ; năm 2019: 68,8 tỉ; năm 2018: 23,3 tỉ (quy tròn). Như vậy, bình quân 3 năm đơn vị này chỉ đạt mức doanh thu là 62,9 tỉ đồng.

Đối với Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1 (MST: 0400672246), doanh thu thực tế hàng năm như sau: Năm 2020: 155,2 tỉ đồng; năm 2019: 113,5 tỉ đồng; năm 2018: 31,9 tỉ đồng. Như vậy, bình quân 3 năm đơn vị này chỉ đạt mức doanh thu là 100,1 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Hồ sơ mời thầu yêu cầu doanh thu bình quân tối thiểu trong 3 năm gần đây là 185,2 tỉ đồng và phải thỏa mãn yêu cầu này. Ảnh chụp hồ sơ.

Tổng mức doanh thu bình quân hàng năm của liên danh nhà thầu này là 163 tỉ đồng. Trong lúc đó, hồ sơ mời thầu của BQL dự án tại mục 2.2 quy định rõ doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu là 185,2 tỉ trong vòng 3 năm gần đây. Hồ sơ mời thầu nói rõ “phải thỏa mãn yêu cầu này”.

Như vậy, có thể thấy năng lực tài chính mà liên danh nhà thầu này thể hiện trong hồ sơ dự thầu sai lệch lớn so với năng lực tài chính thể hiện qua báo cáo tài chính với cơ quan Thuế hàng năm, có dấu hiệu "phù phép" hồ sơ năng lực tài chính nhằm “qua mặt” BQL dự án để trúng thầu. Điều này nếu được chứng minh là đúng, thì liên danh nhà thầu này đã vi phạm khoản 4 Điều 89- Luật Đấu thầu và theo khoản 1 Điều 122 Nghị định 63 năm 2014, thì toàn bộ các thành viên trong liên danh này phải bị cấm đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm.

leftcenterrightdel
 Cũng trong ngày 25/8/2021, liên danh này được chủ đầu tư phê duyệt trúng gói thầu 131,8 tỉ đồng. Ảnh chụp hồ sơ.

Đáng ngạc nhiên hơn, cũng trong ngày 25/8/2021, liên danh nhà thầu này còn được Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia phê duyệt trúng thầu gói thầu số 6: Xây lắp đường dây từ G6 đến G12 (bao gồm tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB), thuộc Dự án đường dây 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân (dự án thành phần 1 “Từ NĐ Vân Phong đến điểm D theo văn bản số 517/BCT-ĐL ngày 21/01/2020 của Bộ Công Thương”), với giá trúng thầu là: 131,8 tỉ đồng (giảm 1,6 tỉ đồng so với giá mời thầu).

Điều này, cho thấy sự bất thường, khi cùng 1 ngày, liên danh nhà thầu này được phê duyệt trúng 2 gói thầu do chính BQL dự án làm chủ đầu tư, với tổng giá trị 2 gói thầu gần 300 tỉ đồng, với tỉ lệ giảm giá không đáng kể.

leftcenterrightdel
 Trụ sở BQL dự án các công trình điện Miền Trung - nơi nhiều nhà thầu "quen mặt" liên tục trúng thầu. Ảnh Website BQL dự án.

Được biết, các nhà thầu này đều đã từng trúng nhiều gói thầu do BQL dự án các công trình điện Miền Trung mời thầu trong thời gian dài, với tư cách độc lập hoặc liên danh. Điều này đặt ra nghi vấn, có hay không việc các nhà thầu đã gian lận hồ sơ năng lực tài chính trong thời gian dài để tham dự và trúng thầu?

Liên quan vụ việc này, PV Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin và trao đổi với người có trách nhiệm ở BQL dự án các công trình điện Miền Trung, sẽ tiếp tục chuyển tải  đến bạn đọc trong những bài tới.

Hoàng Long - Bùi Tiến