Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ (Dự án KCN Nhân Cơ) được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2015 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông (BQLDA tỉnh Đắk Nông) làm chủ đầu tư.

Liên danh nhà thầu thi công gồm Công ty Cổ phần Thái Sơn E&C (Công ty Thái Sơn), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (Công ty Cường Thịnh Thi), và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Dương Đạt Gia Lai (Công ty Dương Đạt Gia Lai).

leftcenterrightdel
 Dự án KCN Nhân Cơ hoang tàn sau sự cố sụt trượt.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đăk Nông, công trình dự kiến hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu triển khai, dự án đã gặp phải hàng loạt sự cố nghiêm trọng, liên tục xảy ra sụt lún, sạt lở, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và chất lượng công trình, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Cơ quan chức năng xác định rằng trong quá trình thi công từ năm 2015, dự án liên tục xảy ra các sự cố sụt lún, sạt lở, với tổng thiệt hại lên tới hơn 55,6 tỉ đồng. Liên quan đến các sự cố này, VKSND tỉnh Đắk Nông đã truy tố 6 bị can. Trong đó, 2 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 298 BLHS 2015, và 4 bị can bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 BLHS 1999.

Vụ án đã được TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 26/9/2024, nhưng phiên tòa bị hoãn do Kiểm sát viên bị ốm. Phiên xét xử lần thứ hai vào ngày 16/10, cũng bị hoãn do thiếu nhiều cá nhân và tổ chức liên quan. Phiên xét xử tiếp theo dự kiến sẽ được TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử từ ngày 5-7/11 tới.

Ngoài việc truy tố 6 bị can, hai nhà thầu là Công ty Thái Sơn và Công ty Dương Đạt Gia Lai cũng bị cấm tham gia đấu thầu các dự án có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại Đắk Nông trong thời gian 3 năm kể từ cuối năm 2023. Nguyên nhân do các nhà thầu này đã chuyển nhượng công việc có giá trị từ 10% trở lên trong Gói thầu 02XL San lấp và gia cố mái taluy lô nhà máy luyện nhôm thuộc Dự án KCN Nhân Cơ, vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu.

leftcenterrightdel
 Quá trình thi công, tại dự án đã xảy ra 5 lần sụt trượt gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 55,6 tỉ đồng.

Lý giải về nguyên nhân gây ra sự cố sụt trượt mái taluy tại dự án hạ tầng khu công nghiệp Nhân cơ, PGS-TS Phạm Hữu Sy - Chuyên gia cao cấp, nhà giáo ưu tú, thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - nhận định, sự mất ổn định của công trình xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ kỹ thuật thi công.

Theo PGS-TS Phạm Hữu Sy phân tích, mái taluy nền đắp được tính toán bằng phương pháp cân bằng giới hạn. Khi trạng thái cân bằng không đạt sẽ sạt trượt, tức là khi các trị số c, φ bị giảm không còn đáp ứng được bài toán cân bằng. Hệ số c, φ bị ảnh hưởng khi tồn tại một trong các trường hợp.

Trường hợp đất đắp không đạt độ chặt tính toán. Đây là biến số bắt buộc, ở độ chặt tính toán sẽ ứng với trị số đầu vào là lực dính c và góc nội ma sát φ. Khi không đạt độ chặt sẽ dẫn đến các chỉ số này không đạt sẽ  gây mất ổn định và xảy ra sụt trượt. Bên cạnh đó, khi đất đắp không đạt độ chặt còn làm cho tính thấm nước của đất đó tăng và thúc đẩy quá trình sụt trượt diễn ra nhanh hơn bởi  lực dính c và góc nội ma sát φ  sẽ giảm dần đến giá trị nguy hiểm do thêm nguyên nhân từ nước gây ra.

Trường hợp kỹ thuật thi công khác là “đất đắp không được kiểm soát thành phần”. Nếu sử dụng đất có các hạt thô, sỏi, cuội, tảng, hữu cơ... sẽ tồn tại các lỗ rỗng (cho dù có đạt độ chặt) để cho nước thấm vào, gây suy giảm lực dính c và góc nội ma sát φ. Do vậy, trong quy trình thi công đất TCVN 4447:2012 yêu cầu phải thí nghiệm kiểm tra thành phần hạt khi đất đắp có thành phần cát, sỏi, cuội... là vì vậy.

Ngoài ra, sụt trượt có thể xảy ra do “đất lẫn hữu cơ”. Theo đó, nếu đất đắp không bóc bỏ hoàn toàn hữu cơ thì đầm không đạt do nguyên nhân khác, và vì hữu cơ không có tính dính, khi lẫn trong đất làm giảm tính dính và ma sát, cũng như giảm cả trọng lượng của đất.

leftcenterrightdel
 Cổng KCN Nhân Cơ.

Bên cạnh đó còn có trường hợp “không xử lý, bóc triệt để lớp đất yếu”. Khi còn tồn tại lớp đất yếu dưới khối đất, các trị số lực dính và góc nội ma sát tự nhiên không đạt, làm cho bài toán ổn định không đạt yêu cầu.

Từ các phân tích nói trên, PGS-TS Phạm Hữu Sy cho rằng kết quả Giám định tư pháp về kết quả thi công hiện trường tại dự án Nhân Cơ cho thấy tồn tại cả 4 trường hợp trên, và sự sụt trượt xảy ra tại Dự án KCN Nhân Cơ là tất yếu. Những yếu tố này đã được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông xác định rõ trong quá trình khi kiểm tra hiện trường thi công.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ án.

Xuân Nha