Dự án ngàn tỉ liên tục xảy ra sạt trượt, sụt lún
Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp (KCN) Nhân Cơ, được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2015. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắc Nông. Dự án này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông mà còn dự kiến sẽ là động lực quan trọng trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng vùng Tây Nguyên.
|
|
Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp Nhân Cơ đã xảy ra 5 lần sạt trượt, sụt lún. |
Với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, trong đó 875 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và phần còn lại từ ngân sách địa phương, dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty Cổ phần Thái Sơn E&C, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Dương Đạt Gia Lai được chọn làm nhà thầu thi công.
Theo kế hoạch, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu triển khai, dự án đã gặp phải hàng loạt sự cố nghiêm trọng. Kể từ khi bắt đầu thi công vào ngày 25/11/2015, dự án đã liên tục xảy ra sự cố sạt lở và sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và chất lượng công trình.
Tháng 4/2020, công trình xảy ra sự cố sạt lở và sụt lún tại taluy âm với khối lượng lớn. Đến cuối tháng 9/2020, tình trạng sụt lún và sạt lở tiếp tục diễn ra, và đến giữa tháng 10/2020, các sự cố nghiêm trọng lại xảy ra tại hai vị trí khác trong dự án. Các vết nứt tại khu xử lý nước thải và mặt đường, cùng với sụt lún bờ rào, đã làm gia tăng thêm thiệt hại.
Ngay sau khi các sự cố nghiêm trọng xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các cá nhân liên quan. Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 6 bị can là chủ doanh nghiệp, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông, cán bộ Sở Xây dựng Đắk Nông về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo thông tin mà Báo Bảo vệ pháp luật có được, vụ án sẽ được TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 26/9/2024.
|
|
Tống đạt quyết định khởi tố bị can Hồ Sỹ Điệp - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông. |
Cấm thầu 2 công ty liên quan đến sự cố
Việc xảy ra sự cố nghiêm trọng tại dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào KCN Nhân Cơ không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình mà còn dẫn đến những thiệt hại lớn về tài chính. Các sự cố này đã khiến cho tiến độ của dự án bị trì hoãn và tạo ra một lỗ hổng lớn trong quản lý chất lượng công trình.
Liên quan đến các sự cố sụt lún, ngoài các cá nhân bị khởi tố, 2 nhà thầu là Công ty Cổ phần Thái Sơn E&C và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Thương mại Dương Đạt Gia Lai bị cấp thẩm quyền tỉnh Đắk Nông ra quyết định cấm tham gia đấu thầu các dự án hoặc gói thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh này trong thời gian 3 năm kể từ cuối năm 2023.
Nguyên nhân là do hành vi chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc có giá trị từ 10% trở lên thuộc Gói thầu 02XL San lấp và gia cố mái taluy lô nhà máy luyện nhôm: san nền và bảo vệ mái dốc thuộc Dự án Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài KCN Nhân Cơ, vi phạm điểm a khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu.
Được biết, trong 4 gói thầu xây lắp của Dự án, gói thầu 02XL do Liên danh Công ty Cổ phần Thái Sơn E&C - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Dương Đạt Gia Lai thi công đã xảy ra 5 lần sạt, trượt bên trong và ngoài hàng rào KCN Nhân Cơ gây tổng thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên khoảng 75 tỉ đồng.
|
|
Sự cố sụt lún, sạt trượt gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khoảng 75 tỉ đồng. |
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân là nhà thầu thi công không làm theo thiết kế tại phần móng mái taluy. Cụ thể, tại các vị trí cọc từ 331 - 337 (dài 60m), thiết kế thể hiện phải nạo vét bùn với chiều sâu 4,1 m và rộng từ 20,08 - 63,9 m, nhưng trong nhật ký thi công của nhà thầu không thể hiện phần nạo vét bùn khi lắp đặt các cọc, đắp đất taluy âm.
Đơn vị thi công cũng không có giải pháp quản lý chất lượng và các chỉ tiêu cơ lý đối với khối lượng đất dự trữ trước khi đắp vào taluy âm nên đã tạo ra những lớp đất không đồng nhất về độ chặt, đất có lẫn nhiều đá, tạp chất. Kết quả khoan địa chất tại các vị trí sụt trượt cho thấy, phía dưới chân móng taluy âm đều có lớp đất yếu. Đây là nguyên nhân của việc quá trình thi công chưa nạo vét lớp đất yếu theo hồ sơ kỹ thuật thi công...
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ án.