Mới đây, phản ánh đến Báo Bảo vệ pháp luật, nhiều người dân ở xã Cuối Hạ (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) bức xúc trước việc mỏ khoáng sản than Mường Vọ (ở thôn Vọ, xã Cuối Hạ)  vẫn hoạt động, bất chấp việc đã có "lệnh" đóng cửa mỏ của UBND tỉnh, từ lâu.

Trao đổi với phóng viên về sự việc, ông N,. (người dân địa phương) cho biết: “Năm 2021, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ. Thế nhưng, quá trình triển khai đóng cửa mỏ, thay vì thực hiện đề án, ngược lại người dân lại thấy tình trạng đưa máy móc, công nhân vào đục khoét đồi núi, san ủi khối lượng đất đá khổng lồ để tiếp tục lấy than đem đi tiêu thụ mà không hề bị ai ngăn chặn”.

Ông N., cho rằng, hành vi khai thác than bất chấp lệnh đóng cửa mỏ than Mường Vọ là đang coi thường pháp luật? Hoạt động này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa.

“Nước chảy từ khu vực mỏ than xuống khe suối của thôn có lúc đen xì, lúc đỏ ngầu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tươi tiêu, sinh hoạt của người dân chúng tôi. Hơn nữa, mỏ than Mường Vọ nằm ở ngay rừng đầu nguồn, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác như hiện nay thì vào mùa mưa tới, rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét,  thiên tai gây hậu quả khó lường” - ông N. bày tỏ.

Nhằm minh chứng các thông tin, ông N., rút điện thoại, cho phóng viên xem đoạn video ghi lại hình ảnh dòng nước suối bắt nguồn từ khu vực mỏ than chảy qua cánh đồng Siêu của thôn Vọ xuất hiện màu lạ. Trong đó, màu nước đục ngầu được cho là chảy xuống từ khu vực mỏ than Mường Vọ.

Tương tự, ông T., (người dân thôn Vọ) cũng tỏ rõ sự lo lắng khi chia sẻ với phóng viên các thông tin liên quan đến mỏ than Mường Vọ. Ông T., nói: “Hễ có mưa xuống, nước thải than từ trên đồi cao sẽ chảy ngấm vào mạch nước ngầm, theo các dòng chảy đổ xuống khu dân cư chúng tôi, nếu chẳng may, con cháu chúng tôi ăn uống phải nước này, bị ung thư, bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khoẻ thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 5/8/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm đã ký ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.

leftcenterrightdel
 Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 5/8/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi.

Nội dung trong quyết định nêu rõ: Phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi đã cấp cho Công ty CP khoáng sản Kim Bôi theo Giấy phép khai thác số 44/QĐ-UBND ngày 8/4/2011 của UBND tỉnh Hòa Bình. Mục đích đóng cửa mỏ là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; giao đất cho địa phương để quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; phục hồi môi trường các khu vực đã khai thác.

Theo quyết định thì phần diện tích đóng cửa mỏ là 17,5ha, gồm 2 khu vực, trong đó khu vực 1 có diện tích 6,7ha; khu vực 2 là 10,8ha. Khối lượng thực hiện theo đề án đã được hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Hòa Bình thẩm định và thông qua là 166.407m3 đất đá, xít hỗn hợp tại bãi thải được tận dụng, vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ.

Công ty CP khoáng sản Kim Bôi phải lập thủ tục hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Kinh phí đóng cửa mỏ là 1.092.453.000 đồng. Thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ 24 tháng.

Mặc dù UBND tỉnh Hòa Bình đã có “lệnh” đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ từ đầu tháng 8/2021, song ghi nhận thực tế của phóng viên, cho đến những ngày đầu tháng 2/2023, bên trong mỏ khoáng sản này vẫn có dấu hiệu hoạt động bình thường.

Thời điểm phóng viên có mặt, tại mỏ khoáng sản than Mường Vọ (ngày 12 và 13/2/2023) thường xuất hiện một nhóm người liên tục dùng máy xúc, máy ủi đục khoét, múc, ngoạm sâu xuống núi để lấy than. Sau đó, từng gầu than đen được máy xúc chất cao lên thùng các xe tải, từ đây,  những xe tải có nhiệm vụ chở than về bãi tập kết cách đó vài chục mét để chờ vận chuyển đi nơi khác.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh khu mỏ khoáng sản than Mường Vọ nhìn từ trên cao.
leftcenterrightdel
 Cận cảnh khai thác than.
leftcenterrightdel
 Từng gầu than đen được máy xúc chất cao lên thùng các xe tải.
leftcenterrightdel
  Ông N. cho phóng viên xem đoạn video ghi lại hình ảnh dòng nước suối xuất hiện màu lạ.
leftcenterrightdel
 Một dòng nước gần khu vực mỏ than màu đục, đỏ đổ ra hướng suối Vọ.
leftcenterrightdel
 Hình ảnh khai thác than từ trên cao.
leftcenterrightdel
 Khai thác than bất chấp "lệnh" đóng cửa mỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Cửa ra vào mỏ luôn có bảo vệ canh gác barie, không cho người lạ ra vào, kể cả là người dân địa phương (trừ 1, 2 nhà có vườn trồng cây keo phải đi chung đường).

Nhìn từ trên cao, từng tầng đồi núi của mỏ này tiếp tục bị cắt, đục khoét nham nhở, lở loét để lấy than. Điều đáng nói, việc khai thác mỏ than lộ thiên này còn có dấu hiệu vượt ra ngoài ranh giới, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến những diện tích rừng được bảo vệ sát cạnh đó. 

Đáng chú ý, thời điểm phóng viên ghi nhận, tiếng máy móc khai thác bên trong mỏ than lộ thiên kêu ầm ầm, vang vọng của một vùng núi, hoạt động này diễn ra công khai nhưng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nào. Xung quanh mỏ khoáng sản này có một số dòng nước nhỏ, chảy kèm theo màu đục, đỏ rực đều đổ ra hướng suối Vọ.

leftcenterrightdel
 Video do phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật ghi lại ngày 13/2/2023.

Trước thực tế diễn ra nêu trên, Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Hoà Bình khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ thông tin về việc khai thác than ở thôn Vọ, xã Cuối Hạ, bất chấp “lệnh” đóng cửa mỏ của UBND tỉnh. Nếu có vi phạm, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan trong việc quản lý, khai thác tài nguyên than, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Minh Hiếu