Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền và đánh bạc.
Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử phúc thẩm, có 36 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo hoặc xin phạt tiền. Viện KSND tỉnh Phú Thọ có kháng nghị với hơn 40 bị cáo, trong đó có Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.
Đại diện cơ quan giữ quyền công tố kháng nghị việc áp dụng pháp luật của TAND tỉnh Phú Thọ vì cho rằng tòa đã không xét đến tình tiết giảm nhẹ theo quy định: các bị cáo đã tự nguyện khắc phục, bồi thường.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng các quy định trên cho những người trên được xử dưới khung, được hưởng án treo. Tuy nhiên, khi lượng hình tòa đã không xem xét.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm 

Theo danh sách, 83 trong số 92 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm được triệu tập đến phiên phúc thẩm. Trong số này có 36 bị cáo phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc có đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Số còn lại do VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị về việc tòa án áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức, không coi việc nộp tiền do phạm pháp mà có là tự nguyện khắc phục hậu quả…
Hai bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa không kháng cáo nên không tham phiên tòa lần này. Bị cáo Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) và Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online) cũng không kháng án, nhưng được triệu tập do liên quan đến kháng nghị của VKS.
Theo quyết định kháng nghị gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng HĐXX áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức đối với nhóm bị cáo phạm tội tổ chức đánh bạc thuộc diện đại lý cấp 1 trở lên là bất lợi cho bị cáo. Cơ quan công tố cho rằng hành vi tổ chức ra hệ thống và vận hành trò chơi đánh bạc Rikvip/Tip.club là dấu hiệu pháp lý để định tội nên không thể coi là tình tiết tăng nặng.

leftcenterrightdel
 Nhiều bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả

Ngoài ra, VKS cũng kháng nghị việc tòa sơ thẩm không coi tình tiết bị cáo tự nguyện nộp tiền thu lợi bất chính là tình tiết giảm nhẹ "Tự nguyện khắc phục hậu quả". Dẫn chứng việc Phan Sào Nam nộp hơn 1.300 tỷ đồng (tương ứng trên 90,7% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc), còn Nguyễn Văn Dương chỉ nộp 240 tỷ đồng (chưa ứng 17% số tiền hưởng lợi), cơ quan công tố đề nghị đề nghị HĐXX chấp nhận việc các bị cáo tự nguyện nộp lại từ 50% số tiền thu bất chính là tình tiết "Tự nguyện khắc phục hậu quả" để đảm bảo sự phân hóa tội phạm trong vụ án đặc thù này.

Nội dung kháng nghị cuối cùng liên quan việc tòa áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của con bạc. VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng việc buộc con bạc phải nộp sung quỹ Nhà nước số tiền đánh bạc của phiên cao nhất đã đặt cược ngày 8 và 9/8/2016 là không có cơ sở. Vì khi bị phát hiện, nhóm vận hành Rikvip đã xóa dữ liệu liên quan số dư tài khoản của các đại lý cũng như người chơi. Từ lý do trên, các cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Phú Thọ đã thống nhất không tính toán, truy thu số tiền người chơi bạc thắng cược có thể được hưởng.

Trong phiên sơ thẩm hai "ông trùm" là Phan Sào Nam (nguyên giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến) và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) bị tuyên lần lượt 5 năm và 10 năm tù về hai tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền.

Sau phiên tòa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và hai cựu tướng công an không kháng cáo. Tuy nhiên, sau đó, Viện KSND tỉnh Phú Thọ có kháng nghị với hơn 40 bị cáo, trong đó có Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, cả hai bị cáo Nam và Dương đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, TAND đã có giấy triệu tập đối với hai bị cáo này.

Hai cựu tướng Công an "bảo kê" đường dây đánh bạc là Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - bị tuyên 9 năm tù và Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - mức án 10 năm tù. Cả 2 ông đều không có kháng cáo.

Phiên toà dự kiến diễn ra từ 5/3 đến hết ngày 12/3/2019. 


Ngọc Anh