Trước đó, vào ngày 12/1/2024, Mạnh và hai đồng phạm đã bị Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện khi đang giao dịch trái phép 4,1kg sừng tê giác. Trong khi hai đồng phạm bị bắt giữ ngay tại chỗ, Mạnh đã chạy thoát và bỏ trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, đến ngày 9/7/2024, đối tượng Mạnh đã quay về Việt Nam và ra đầu thú.

Cao Xuân Mạnh là đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Mạng lưới buôn bán động vật hoang dã của Mạnh chủ yếu tập trung là hổ và các sản phẩm động vật hoang dã quý, hiếm với phương thức hoạt động hết sức tinh vi. Mạnh có thể cung cấp hổ nguyên con, xương, cao hổ chế biến sẵn hoặc thậm chí tổ chức hoạt động nấu cao nếu khách hàng có yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Cao Xuân Mạnh (áo trắng hàng trên), Nguyễn Văn Bá (áo đen) và Nguyễn Văn Cung (áo trắng hàng dưới) tại phiên tòa xét xử.

Sau quá trình xét xử, HĐXX tuyên phạt Cao Xuân Mạnh mức án 7 năm tù, hai đồng phạm của Mạnh là Nguyễn Văn Bá và Nguyễn Văn Cung bị tuyên án lần lượt 5 năm và 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho biết, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) rất hoan nghênh các cơ quan tiến hành tố tụng TP Hà Nội đã áp dụng pháp luật nghiêm minh trong vụ án này. Chỉ khi những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép như Mạnh phải chịu mức án nghiêm khắc và thích đáng thì mới có thể răn đe tội phạm và xóa sổ những mạng lưới buôn bán trái phép này.

Nghệ An đang ngày càng được cộng đồng quốc tế biết đến là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là hổ. Theo ghi nhận của ENV, từ năm 2018 đến năm 2024, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện và xử lý 66 vụ việc liên quan đến hổ, trong đó có 43 vụ (tương đương khoảng 65%) được xác định có liên quan/có nguồn gốc từ Nghệ An. Con số này có thể chỉ phản ánh một phần nhỏ thực trạng buôn bán hổ phức tạp đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Các đường dây tội phạm này thường buôn lậu hổ con, hổ đã chết và các bộ phận khác của hổ từ Lào về Việt Nam, hoặc có thể lợi dụng các vườn động vật được cấp phép tại Nghệ An để hợp thức hóa nguồn cung. Theo nhiều nguồn tin đến ENV, hiện có khoảng hơn 300 cá thể hổ đang bị một số hộ dân ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Yên Thành nuôi nhốt trái phép để phục vụ hoạt động buôn bán.

Năm 2021, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết tình trạng buôn bán hổ trái phép trên địa bàn và thu giữ 17 cá thể hổ từ 2 hộ dân tại huyện Yên Thành. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có kẻ cầm đầu các đường dây buôn lậu nào bị bắt giữ tại Nghệ An. Trong suốt 4 năm qua, ENV cũng chưa nhận thấy những bước tiến đáng kể trong việc triệt phá tận gốc tình trạng buôn bán hổ trái phép trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng Cao Xuân Mạnh chỉ là một trong số các “ông trùm” buôn bán động vật hoang dã đang hoạt động tại Nghệ An.

 

PV