Hình phạt nghiêm minh góp phần triệt phá các đường dây đang làm giàu bất chính từ buôn bán động vật hoang dã trái phép

Theo ENV, Cao Xuân Mạnh là đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Ngày 9/7/2024, đối tượng Cao Xuân Mạnh đã đầu thú tại Công an TP Hà Nội, sau một thời gian lẩn trốn ra nước ngoài.

Trước đó, vào tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang Mạnh cùng 2 đồng phạm đang buôn bán trái phép 4,1kg sừng tê giác.

leftcenterrightdel
 Tang vật từ vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. (Ảnh: ENV cung cấp)

Vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

ENV cho biết, mạng lưới buôn bán động vật hoang dã của Cao Xuân Mạnh tại Nghệ An chủ yếu tập trung vào hoạt động buôn bán trái phép hổ, nhóm đối tượng này sử dụng các phương thức tinh vi để cung cấp đa dạng từ hổ nguyên con đến cao hổ. Cao Xuân Mạnh chỉ là một trong 7 "trùm" buôn bán động vật hoang dã đang hoạt động tại Nghệ An. Trong đó, mỗi "ông trùm" điều hành một mạng lưới riêng chuyên buôn bán và cung cấp các sản phẩm từ hổ, sừng tê giác, vảy tê tê và nhiều loài động vật hoang dã khác cho thị trường Việt Nam và Trung Quốc.

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV, trong bối cảnh phiên tòa xét xử đối tượng Cao Xuân Mạnh sắp diễn ra, ENV tin rằng những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn như Cao Xuân Mạnh sẽ phải chịu các hình phạt nghiêm minh trước pháp luật, như vậy mới cảnh tỉnh những đối tượng khác và góp phần triệt phá các đường dây đang làm giàu bất chính từ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

"Nghiêm trị các đối tượng cầm đầu cũng là cách chúng ta tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép" - bà Bùi Thị Hà lên tiếng.

Thông tin từ ENV, Nghệ An đang ngày càng được cộng đồng quốc tế biết đến là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là hổ.

Theo cơ sở dữ liệu của ENV, các mạng lưới buôn bán hổ ở Nghệ An có liên quan đến ít nhất 52 vụ thu giữ hổ tại 16 tỉnh thành trên cả nước trong những năm gần đây. Con số này có thể chỉ thể hiện một phần nhỏ của thực trạng buôn bán hổ trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các đường dây tội phạm thường buôn lậu hổ con, xác và các bộ phận khác của hổ từ Lào về Việt Nam, hoặc lợi dụng "danh nghĩa" vườn động vật tư nhân được cấp phép để hợp thức hóa nguồn cung.

Theo nhiều nguồn tin đến ENV, hiện có hơn 300 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trái phép tại các hộ dân trên địa bàn huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Yên Thành để phục vụ hoạt động buôn bán.

Năm 2021, việc tịch thu 17 cá thể hổ từ hai hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thành đã bước đầu thể hiện những động thái tích cực từ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trong nỗ lực giải quyết tình trạng buôn bán hổ trái phép. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm qua, ENV chưa nhận thấy những bước tiến đáng kể trong việc triệt phá tận gốc tình trạng buôn bán hổ trên địa bàn tỉnh.

 

PV