Từ ngày 22/10/2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM đang công khai xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín - Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) và đồng phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
|
|
Các bị cáo được xem xét đơn kháng cáo |
Qua quá trình thẩm vấn tại phiên toà phúc thẩm, kết hợp với những tài liệu đã thu thập được, xét các kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của 28 bị cáo, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị HĐXX áp dụng Điều 355 BLTTHS tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hứa Thị Phấn, Nguyễn Kim Thanh, Vũ Thị Như Thảo, Ngô Thị Ngân, Trần Sơn Nam, Hoàng Văn Toàn, Lâm Kim Dũng, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Ngô Nguyễn Đoan Trang. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, xử phạt bị cáo 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Bùi Thị Kim Loan, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 22 – 25 năm tù, không chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự.
VKSND Cấp cao còn đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các tổ chức và cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ, Công ty Thăng Hoa, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – CN Trung tâm Sài Gòn, Tổng công ty xây dựng Điện Việt Nam; bà Lý Kim Chi, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, bà Lê Thị Sương, bà Huỳnh Thị Xuân Hương, ông Hà Quốc Cường, Ngô Minh Quân, ông Nguyễn Văn Lâm, ông Hồ Tấn Kiệt, ông Hứa Hữu Đạt, ông Trương Đoàn Quốc Dũng, ông Trương Công Bình.
Bác kháng cáo kêu oan của bà trùm TrusBank
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM khẳng định, bị cáo Hứa Thị Phấn là chủ mưu cầm đầu trong việc đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ… là nhân viên dưới quyền của mình trong Ngân hàng Đại Tín và những người làm thuê tại các công ty do bị cáo thành lập thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín, tổng số tiền 6.362.100.261.252 đồng. Theo đó, bị cáo Phấn đã chiếm đoạt số tiền 1.105.510.023.962 đồng thông qua hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 05 Phạm Ngọc Thạch và sử dụng số tiền 5.256.590.237.290 đồng bằng thủ đoạn chi khống tiền giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang nhưng không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho Công ty Phương Trang cấn trừ với các chứng từ thu khống số tiền trên.
Đại diện VKS khẳng định, việc xử phạt bị cáo Phấn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật, không oan, không sai như kháng cáo của bị cáo Phấn đã nêu ra.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phấn về việc công nhận giá trị pháp lý của chiếc USB bí ẩn.
Thành khẩn khai báo nên được đề nghị giảm nhẹ hình phạt tù
Trong các ngày diễn ra phiên toà sơ thẩm hồi đầu tháng 5/2018, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (nguyên Kế toán giao dịch Ngân hàng Đại Tín) đã không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên HĐXX đã áp dụng khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để xử phạt bị cáo Tuyết 2 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đại diện VKSND cấp cao khẳng định, quyết định trên của HĐXX cấp sơ thẩm là chính xác, không oan, không sai. Tuy nhiên, bị cáo kháng cáo kêu oan song tại phiên toà phúc thẩm đã thay đổi nội dung kháng cáo, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin được hưởng án treo. Xét việc khai nhận của bị cáo Tuyết là phù hợp với các tình tiết của vụ án, thể hiện thái độ thành khẩn khai báo và hành vi phạm tội của bị cáo Tuyết là thứ yếu, bị cáo Tuyết không được hưởng lợi từ những hành vi phạm tội và bản thân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tuyết theo hướng giữ nguyên mức án sơ thẩm là 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng.
Trong số 02 bị cáo được đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt tù còn có bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên là Kế toán công ty Phú Mỹ và là thư ký của Hứa Thị Phấn).
Bị cáo Loan là người giữ vai trò tích cực, đắc lực trong việc tiếp nhận, triển khai chỉ đạo từ bị cáo Hứa Thị Phấn, là người chỉ đạo và làm giả nhiều hồ sơ, giấy tờ giúp sức cho bị cáo Phấn chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử cấp sơ thẩm, Loan không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Loan thành khẩn khai báo, thừa nhận tội danh và cho rằng trước đây là do tâm lý bị cáo bất ổn, lo sợ…
Đại diện VKS cho rằng việc bị cáo Loan thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và lời khai này phù hợp với các tài liệu, chứng cứ, thẩm vấn tại phiên toà nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Loan, xử phạt bị cáo 10 – 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và 12 – 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là 22 – 25 năm tù giam.
Hiện TAND Cấp cao tại TP.HCM vẫn đang tiến hành xét xử với phần tranh tụng.
Hoa Việt