(BVPL) - Sau nhiều phiên tranh tụng, luật sư đại diện của bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn) vẫn giữ nguyên quan điểm bà Phấn cũng chỉ là bị hại của ông Danh, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không khởi tố tại tòa đối với nhóm bà Phấn.
 
Luật sư đại diện cho quyền và nghĩa vụ của bà Phấn đã đưa ra nhiều luận điểm để bác bỏ kiến nghị của Viện Kiểm sát và cho rằng kiến nghị nêu trên là không khách quan, không đúng với các qui định tại điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự - giới hạn về việc xét xử, đề nghị HĐXX không chấp thuận kiến nghị khởi tố vụ án tại tòa. 
 
Theo đó, trước khi mua lại và lập Đề án tái cơ cấu ngân hàng này, ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai đã biết rõ thực trạng tài chính của TrustBank trên cơ sở các thông tin công khai như: tài liệu của ngân hàng từ 29/02/2012, Kết luận Thanh tra 224 (nêu rõ nguyên nhân dẫn đến lỗ lũy kế trên 6.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm trên 2.800 tỷ đồng là do TrustBank đã cho 2 nhóm Phú Mỹ và Phương Trang nợ quá lớn) và báo cáo kiểm toán của Công ty Esnt & Young, cùng với đề xuất phương án giải quyết: “Trên cơ sở đó các nhà đầu tư mới đã quyết định tham gia tái cơ cấu ngân hàng và tăng vốn góp nhằm đảm bảo đưa vốn chủ sở hữu trên 3.000 tỷ đồng”, trích trang 92 Đề án tái cơ cấu. Tại phiên tòa ngày 21/7, ông Phan Thành Mai cũng đã thừa nhận có biết kết luận thanh tra trước đó, chính ông Phan Thành Mai cũng là người ký báo cáo tài chính năm 2013 của VNCB.
 
Mặt khác, bản chất của việc chuyển nhượng TrustBank là bà Phấn không chuyển nhượng trực tiếp cho ông Phạm Công Danh mà ông Phạm Công Danh mua lại thông qua ông Hà Văn Thắm, Ngân hàng TMCP Đại dương (OceanBank) và điều kiện chuyển nhượng với ông Thắm (trước đó) hay với ông Danh (sau này) là phải trả khoản tiền 4.620 tỷ đồng mà nhóm bà Phấn thiếu nợ tại TrustBank, nhóm bà Phấn không nhận khoản tiền này.
 
Ông Danh cũng đã thừa nhận quá trình mua bán TrustBank dựa trên thỏa thuận với ông Thắm, ông Danh đã nhận được 84% sở hữu tại TrustBank và được Đại hội cổ đồng bất thường TrustBank chấp thuận là Chủ tịch Hội đồng quản trị theo đúng Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt. Hiện ông Danh đang giữ 21 sổ chứng nhận cổ phần VNCB và các giấy ủy quyền ký sẵn liên quan đến 84% cổ phần VNCB theo Cáo trạng (trang 88).
 
Như vậy, toàn bộ trách nhiệm của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ tại TrustBank đã được chuyển giao sang cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bao gồm tất cả các khoản công nợ, kể cả rủi ro (nếu có)… nên bà Phấn vốn không có khả năng lừa đảo ông Danh.
 
Việc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh kéo dài thời gian trả nợ theo Đề án tái cơ cấu theo luật sư của bà nhóm bà Phấn thì một phần trách nhiệm thuộc NHNN vì tại thời điểm đó bà Phấn và Nhóm Phú Mỹ đã có nhiều đơn khiếu nại yêu cầu NHNN can thiệp và NHNN cũng có nhiều buổi họp để giải quyết. 
 
Luật sư đại diện cho bà Phấn cũng nêu rõ quan điểm, khi NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng và đổi tên thành CB, do vậy CB cũng phải kế thừa các quyền và nghĩa vụ của cổ đông VNCB trong đó có khoản công nợ của bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ theo Đề án tái cơ cấu TrustBank. 
 
Trên cơ sở đó, luật sư đại diện cho nhóm bà Phấn kiến nghị HĐXX xem xét và kiến nghị Cơ quan oảnh sát điều tra (C46 ), Bộ Công An giải tỏa tất cả các công văn ngăn chặn liên quan đến số tài sản của nhóm bà Phấn hiện đang thế chấp tại TrustBank trước đây, này là CB để các bên liên quan, bao gồm cả CB xử lý thu hồi nợ.
 
Thanh Nhàn
.