Trong phần luận tội sáng nay, đại diện VKS đã khẳng định: Vì lòng tham, Hứa Thị Phấn đã thực hiện và lôi kéo hàng loạt lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín và cả người thân trong gia đình tham gia thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật với những thủ đoạn tinh vi như sắp đặt, thao túng toàn bộ Hội đồng quản trị, Ban điều hành ngân hàng, cũng như 02 chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang để từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt 1.105.510.023.962 đồng của ngân hàng Đại Tín. Hành vi chiếm đoạt thông qua việc nâng khống nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là tài sản của chính Hứa Thị Phấn để bán cho ngân hàng và hạch toán khống để sử dụng 5.256.590.237.290 đồng của ngân hàng Đại Tín và đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang.

Như bị cáo Hoàng Văn Toàn – nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín đã mô tả về thủ đoạn tinh vi trong quản lý, điều hành của Hứa Thị Phấn là: “ngân hàng trong ngân hàng” với ý nghĩa HĐQT, Ban điều hành chỉ là hình thức và hoạt động phục vụ cho mục đích của Hứa Thị Phấn, thực chất Hứa Thị Phấn điều hành toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và 02 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang để thực hiện mọi hoạt động trái pháp luật phục vụ cho mình.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại toà 

Hành vi của Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, trong đó các bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Ngô Thị Ngân là những bị cáo đã giúp sức đắc lực cho Hứa Thị Phấn thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo Ngô Thị Huệ, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Nguyễn Công Tụ, Vũ Thị Như Thảo là các lãnh đạo ngân hàng, nhưng đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực tín dụng, thẩm định giá, kế toán, hạch toán từ đó tiếp tay, tạo điều kiện cho Hứa Thị Phấn phạm tội. Kéo theo đó là hàng loạt các nhân viên ngân hàng, pháp nhân cũng vì chấp hành chỉ đạo của cấp trên, vì nể nang tin tưởng và vì mối quan hệ gia đình cũng lao vào con đường phạm tội, tiếp tay, giúp sức cho Hứa Thị Phấn.

Trong vụ án này Hứa Thị Phấn là chủ mưu, đề ra các thủ đoạn tinh vi, bất chấp hậu quả, sắp đặt đưa người thân, quen vào những vị trí quan trọng trong ngân hàng, cho đứng tên tài sản, cổ phần để họ tin tưởng, biết ơn nhưng thực chất là để lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội và trong vụ án có rất nhiều bị cáo là con cháu, người quen của bị cáo Hứa Thị Phấn.

 Bùi Thị Kim Loan là thư ký, là cánh tay phải đắc lực nhất. Loan có quyền thay mặt bà Phấn chỉ đạo các bị cáo khác kể cả các bị cáo là con cháu trong gia đình của bị cáo Phấn, đồng thời bị cáo Loan cũng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Viện kiểm sát khẳng định, quá trình xét bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt, bị cáo Bùi Thị Kim Loan mới sinh con và cố tình không hợp tác với HĐXX bằng việc liên tục xin hoãn phiên tòa, mang con nhỏ lên phiên tòa để gây sức ép với HĐXX, khi được tạo điều kiện tối đa cho việc tham gia phiên tòa vẫn tìm cách không hợp tác, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội cho thấy cả hai bị cáo đều không thành khẩn, không nhận thức được hành vi sai trái của mình, cố tình tránh né sự trừng trị của pháp luật, do đó cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất mới tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Các bị cáo là lãnh đạo hoặc giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng Đại Tín như Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ, Lâm Hồng Trinh, Ngô Thị Ngân, Nguyễn Công Tụ, Vũ Thị Như Thảo, Ngô Nguyễn Đoan Trang, Lâm Kim Thu, Huỳnh Thị Băng Tâm thực hiện mọi chỉ đạo trực tiếp của Hứa Thị Phấn hoặc thông qua chỉ đạo Bùi Thị Kim Loan để thực hiện những hành vi trái pháp luật, bỏ mặc hậu quả, tạo điều kiện cho Hứa Thị Phấn thực hiện hành vi chiếm đoạt, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, cũng xem xét các bị cáo phải chịu áp lực của Hứa Thị Phấn hoặc vì tin tưởng nên đã tiếp tay cho Hứa Thị Phấn.

Các bị cáo là nhân viên ngân hàng, đứng tên pháp nhân vì chấp hành chỉ đạo của cấp trên đã cố ý bỏ qua các quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, bỏ mặc hậu quả, thực hiện hành vi phạm tội tạo điều kiện cho Hứa Thị Phấn thực hiện hành vi chiếm đoạt, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên đối với các bị cáo là người làm công ăn lương, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không hưởng lợi, nên cũng xem xét.

Tại phiên tòa hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không hưởng lợi. Một số bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án như Hoàng Văn Toàn, Vũ Thị Như Thảo, Ngô Kim Huệ, Lâm Kim Thu, Huỳnh Thị Băng Tâm, Văn Bùi Hồng Thi, Trịnh Thị Hiền Trang, Trần Điền Ngọc Hân, Lâm Hồng Trinh. Các bị cáo Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bích Hạnh, Ngô Nguyễn Đoan Trang đã chủ động và thành khẩn khai báo về các tình tiết trong vụ án, về các tài sản đứng tên giúp Hứa Thị Phấn, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, phong tỏa được nhiều tài sản để xử lý, thu hồi khắc phục hậu quả của vụ án.

Ngoài ra Viện kiểm sát cũng nêu rõ thân nhân của từng bị cáo đề nghị HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn tổng hợp 30 năm tù cho 2 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và  “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; cũng với 2 tội danh trên, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan 28 – 30 năm tù; xử phạt bị cáo Ngô Kim Huệ  10 – 12 năm tù.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Ngô Thị Ngân về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 10-12 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Toàn mức án từ 07-08 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam, Nguyễn Công Tụ về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 06-07 năm tù; xử phạt bị cáo Lâm Kim Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với mức án từ 06-07 năm tù; xử phạt bị cáo Lâm Hồng Trinh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 04-05 năm tù; xử phạt các bị cáo Vũ Thị Như Thảo, Huỳnh Thị Băng Tâm, Lâm Kim Thu, Lê Thị Tuyết Oanh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 03-04 năm tù; xử phạt các bị cáo Bùi Thế Nghiệp, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Văn Bùi Hồng Thi, Trần Ngọc Bích, Trần Thị Hoàng Nga, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Nguyễn Kim Thanh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 02-03 năm tù.

Riêng đối với các bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu, Ngô Nguyễn Đoan Trang, Hứa Thị Bích Hạnh, Trần Điền Ngọc Hân, Đỗ Thị Hồng Nhung, Trịnh Thị Hiền Trang, Hà Thu Thảo, Đường Bửu Nhìn, Viện kiểm sát đề nghị mức án 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời hạn thử thách đối với các bị cáo.

Hoa Việt