Trước đó, tháng 1/2023, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra nơi ở của đối tượng Bùi Bảo Trọng thì phát hiện đối tượng đang nuôi nhốt trái phép 5 cá thể rùa Sulcata cùng 3 cá thể rùa phóng xạ.

HĐXX đã tuyên phạt Bùi Bảo Trọng mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại Điều 244 BLHS và bị xử phạt hành chính 345 triệu đồng cho hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài rùa ngoại lai (không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam).

leftcenterrightdel
 Nuôi nhốt rùa phóng xạ trái phép (Ảnh minh họa, nguồn: ENV)

Rùa phóng xạ (Astrochelys radiata) và rùa Sulcata (Centrochelys sulcata) là 2 loài rùa nguy cấp, quý, hiếm không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và đều được được liệt kê trong Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Trong đó, rùa phóng xạ được liệt kê trong Phụ lục I CITES - nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại và rùa Sulcata được liệt kê trong Phụ lục II CITES – các hoạt động xuất, nhập khẩu và buôn bán bị kiểm soát chặt chẽ. Việc buôn bán rùa phóng xạ có nguồn gốc từ tự nhiên bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư. Trong khi đó, việc nuôi nhốt, buôn bán rùa Sulcata đòi hỏi phải đảm bảo giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép rùa phóng xạ và rùa Sulcata có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Điều 234, 244 BLHS 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017) và/hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức hình phạt tối đa lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ( sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ, hoạt động nuôi nhốt các loài này để làm cảnh đang trở thành trào lưu trong một bộ phận người dân và đặc biệt là giới trẻ. Người dân thường mua rùa, động vật hoang dã ngoại lai từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là qua các trang mạng xã hội mà không biết rằng hoạt động buôn bán trái phép các loài rùa này là hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, hoạt động nuôi động vật hoang dã ngoại lai để làm cảnh còn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, gây ảnh hưởng đến quần thể loài bản địa nếu loài ngoại lai được thả về môi trường và đồng thời tác động xấu đến công tác bảo tồn các loài quý, hiếm trên toàn cầu”.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, ENV đã ghi nhận 158 vụ việc với hàng ngàn cá thể động vật hoang dã không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam bị quảng cáo, buôn bán trên internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tình trạng buôn bán động vật hoang dã ngoại lai diễn biến phức tạp đòi hỏi giải pháp toàn diện để có thể xử lý triệt để, góp phần ngăn chặn các mối nguy hại của hoạt động này đối với sức khỏe con người, đa dạng sinh học của Việt Nam và công tác bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc xử phạt nghiêm minh đối tượng Bùi Bảo Trọng có ý nghĩa răn đe lớn, cho thấy pháp luật sẽ không khoan nhượng với các vi phạm về động vật hoang dã nói chung và vi phạm liên quan đến loài ngoại lai nói riêng.

 

 

PV