Theo đó, trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Trong đó, 95% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ, 79% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ đã được đưa ra xét xử và kết án với một hoặc nhiều đối tượng có liên quan, mức án tù trung bình cho tội phạm về động vật hoang dã là 3,01 năm,…

leftcenterrightdel
 TAND TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) xét xử đối tượng vận chuyển 33 cá thể rùa đầu to và 3 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc. (Ảnh: ENV)

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho biết, trong 5 năm vừa qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, thể hiện ở số lượng vụ bắt giữ và xét xử tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng. Tỉ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 đã cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về động vật hoang dã.

Cụ thể, tỉ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã đạt trung bình 92,2% (giai đoạn 2018 - 2022, sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực) so với tỉ lệ 84,6% (giai đoạn 2014 - 2017, trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực).

Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử cũng tăng đáng kể. Trong bốn năm sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực (2018 - 2021), trung bình tỉ lệ các vụ án có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử là 90,9%, tăng gần 30% so với giai đoạn trước khi BLHS có hiệu lực với mức trung bình chỉ đạt 62,2%.

Mức án tù trung bình cho một đối tượng phạm tội về động vật hoang dã trong năm 2022 là 3,01 năm, giảm so với mức án tù trung bình cao nhất được ghi nhận vào năm 2019 là 4,45 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp đôi mức án tù trung bình ghi nhận vào năm 2017 là 1,21 năm, thời điểm trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực.

leftcenterrightdel
 Tang vật trong vụ án buôn bán 26 cá thể rùa quý hiếm. (Ảnh: ENV)

 “Trong 5 năm vừa qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, thể hiện ở số lượng vụ bắt giữ và xét xử tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu động vật hoang dã qua các cảng vẫn là một thách thức lớn cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. Kể từ năm 2015, Cơ sở dữ liệu của ENV đã ghi nhận 34 vụ buôn bán động vật hoang dã phát hiện tại các cảng biển ở Việt Nam với gần 80 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê bị tịch thu. Đáng tiếc là cho đến nay, mới chỉ có 3 đối tượng liên quan đến các vụ việc này bị kết án.” - Bà Bùi Thị Hà chia sẻ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tận dụng thông tin từ những vụ thu giữ ban đầu để thu thập bằng chứng và xây dựng chuyên án với mục tiêu bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu để có thể tiến tới xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã trái phép toàn cầu.

 


L.T