Đánh giá chứng cứ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án
Mở đầu phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh: Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, đảm bảo để mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội đều phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Viện kiểm sát cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng đều có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
|
|
Đại diện VKS nhấn mạnh: Buộc tội của VKS là dựa trên các chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và thẩm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa.
|
Việc buộc tội của Viện kiểm sát là dựa trên các chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và thẩm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa.
Quan điểm buộc tội và quan điểm gỡ tội, chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội thường có những mâu thuẫn với nhau, phải được các bên dẫn ra, tranh luận, đối đáp dân chủ, khách quan.
Do vậy, một bên không thể có những định kiến mang tính chủ quan đối với bên kia. Trong phiên tòa, Kiểm sát viên cùng các luật sư đều cần dẫn ra phân tích, đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
PVB bị chi phối và lệ thuộc vào PVN
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư bào chữa có một số luận điểm cho rằng PVB là chủ đầu tư nên theo quy định của pháp luật chỉ có PVB mới có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định lựa chọn nhà thầu để xây dựng nhà máy… bị cáo Thăng chỉ có chủ trương và chỉ đạo chỉ định thầu thông qua người đại diện phần vốn tại các đơn vị thành viên của PVN. Việc chỉ định thầu cuối cùng vẫn phải do PVB quyết định và chịu trách nhiệm, bị cáo Thăng không có trách nhiệm trong việc này.
Bị cáo Thăng cũng cho rằng, PVB độc lập trong việc quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Việc xem xét, thẩm định, đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu để chỉ định thầu là do PVB thực hiện và quyết định…
|
|
Đại diện Viện kiểm sát: Từ bị cáo Đinh La Thăng đến các bị cáo thuộc về một cơ cấu, tổ chức thống nhất, câu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội.
|
Về luận điểm này, Viện kiểm sát cho rằng PVB ra đời theo chủ trương của PVN và Ban chỉ đạo, trong đó vốn góp thực tế thuộc về các đơn vị thành viên của PVN.
PVN nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối, đồng thời về cơ cấu tổ chức thì thành viên Ban lãnh đạo của PVB đều là đại diện các đơn vị thành viên của PVN.
Do đó, trên thực tế, PVB hoàn toàn bị chi phối và bị lệ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của PVN, Ban chỉ đạo và các công ty con của PVN đã sáng lập ra PVB.
Đại diện Viện kiểm sát xác định, có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kinh tế và cơ sở thực tiễn để xác định: Từ bị cáo Đinh La Thăng đến các bị cáo tại PVC và PVB đều thuộc về một cơ cấu, tổ chức thống nhất.
Các bị cáo đã câu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, các bị cáo tại PVC và PVB đều có sự tiếp nhận ý chí chung từ sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu cho một đơn vị trong nội bộ PVN là PVC và cùng thống nhất tổ chức thực hiện.
Việc các bị cáo tại PVC cho rằng PVC không phải là chủ đầu tư thì không phải là chủ thể của tội “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” là không có căn cứ.
Đối với bị cáo Đinh La Thăng, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo có trách nhiệm phải chỉ đạo đúng theo các quy định của pháp luật về chỉ định thầu.
Vai trò chỉ đạo trong chỉ định thầu
Tại phiên tòa, bị cáo Thăng cho rằng bị cáo không có trách nhiệm phải biết nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm hay không (dẫn đến việc chỉ đạo chỉ định nhà thầu PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 Dự án Ethanol Phú Thọ) là bất chấp các quy định của pháp luật về chỉ định thầu theo Luật Xây dựng và đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc PVB) có lời khai cho rằng, bị cáo không chỉ đạo các thành viên Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu trong việc lập hồ sơ yêu cầu và thẩm định hồ sơ yêu cầu để liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T được chỉ định thầu.
|
|
Các bị cáo và luật sư tại phiên xét xử sơ thẩm. |
Các bị cáo Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Đầu tư dự án PVB), Lê Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh PVB), Khương Anh Tuấn (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Thương mại PVB), Hoàng Đình Tâm (nguyên Kế toán trưởng PVB) cũng cho rằng, họ không nhận được sự chỉ đạo của bị cáo Hà.
Về vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Vũ Thanh Hà đã khai rõ việc hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu cho PVC là thực hiện theo mệnh lệnh của lãnh đạo PVN và các chỉ đạo, bút phê trực tiếp của bị cáo Đinh La Thăng.
Lời khai của bị cáo Vũ Thanh Hà tại Cơ quan điều tra cũng thể hiện rõ, sau khi có chỉ đạo, định hướng của Đinh La Thăng, Trần Thị Bình (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Vũ Quang Nam (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) về việc giao cho liên danh PVC thực hiện gói thầu TK05 thì trong quá trình lập hồ sơ yêu cầu,Vũ Thanh Hà đã chỉ đạo, định hướng (trực tiếp qua các cuộc họp giao ban của công ty) đối với các bị cáo khác tại PVB rằng phải bằng mọi cách làm các thủ tục để chỉ định thầu cho liên danh PVC và cho biết lãnh đạo PVN đã chỉ đạo giao liên danh PVC thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.
Tại phiên tòa, bị cáo cũng thừa nhận đã tiếp nhận và thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng, Vũ Quang Nam, Trần Thị Bình trong việc làm thủ tục chỉ định thầu cho liên danh PVC.
Các bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy, Lê Thanh Thái, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm đều nhận được sự chỉ đạo của bị cáo Hà như trên và từ đó cố ý thực hiện nhiệm vụ trái quy định của pháp luật trong việc lập hồ sơ yêu cầu và thẩm định hồ sơ yêu cầu nhằm mục đích để liên danh PVC được chỉ định thầu.
|
|
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa.
|
Từ các dẫn chứng trên, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, việc các bị cáo thay đổi lời khai tại phiên tòa về nội dung trên là không có căn cứ.
Một số luật sư cho rằng Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T tham gia từ giai đoạn sơ tuyển mời thầu rộng rãi và đã được qua vòng sơ tuyển cùng 5 nhà thầu khác; các tiêu chí chưa đạt của liên danh PVC về năng lực kinh nghiệm không cần đánh giá mà vẫn được tham gia nhận thầu; Luật Đấu thầu cũng quy định hồ sơ yêu cầu được đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu có thể bằng phương pháp chấm điểm hoặc đánh giá đạt hay không đạt.
Về các vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, việc liên danh PVC qua được vòng sơ tuyển khi PVB mời thầu rộng rãi không có nghĩa là liên danh PVC đã được nhận thầu.
Chủ đầu tư đã không thực hiện việc đấu thầu rộng rãi này mà đã chuyển sang lập hồ sơ yêu cầu cho liên danh PVC.
Như vậy, việc liên danh PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm càng cần phải được xem xét đánh giá thấu đáo, kỹ càng khi làm thủ tục chỉ định thầu (việc này đã bị chủ đầu tư PVB bỏ qua để chỉ định thầu cho liên danh PVC).
Phân tích thêm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng trong việc lập hồ sơ yêu cầu để chỉ định thầu thì hồ sơ yêu cầu phải tuân thủ khoản 2 Điều 41 - Nghị định 58 và phải đưa ra tiêu chí đánh giá đạt hay không đạt chứ không thể thực hiện bằng hình thức chấm điểm như các bị cáo đã làm.
Các bị cáo cố ý thực hiện chỉ định thầu bất chấp năng lực
Đại diện Viện kiểm sát phân tích tại thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2009, sau khi Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất gói thầu TK 05 của nhà thầu Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC và nhà thầu phụ đã xác định rõ năng lực của liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đáp ứng yêu cầu theo hồ sơ yêu cầu trên các mặt: nhân sự triển khai gói thầu-năng lực của nhà thầu phụ, tiến độ thực hiện dự án, biện pháp kỹ thuật thi công, giá chào thầu.
PVB đã ban hành văn bản số 89/PVB-DADT ngày 5/5/2009 nêu rõ nội dung nêu trên gửi trực tiếp bị cáo Trần Thị Bình (khi đó là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Phó Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học), Nguyễn Việt Sơn (Thư ký Ban chỉ đạo) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil.
Văn bản này thực chất đã chỉ rõ PVC và liên danh của PVC không đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong hồ sơ yêu cầu và PVB báo cáo để “Mong nhận được hướng dẫn, giúp đỡ của lãnh đạo tập đoàn."
|
|
Nói lời sau cùng nhiều bị cáo đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
|
Để giải quyết những vấn đề do PVB đặt ra, ngày hôm sau (6/5/2009), bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN) đã triệu tập cuộc họp Ban Chỉ đạo vào ngày 7/5/2009 do bị cáo Thăng chủ trì, bị cáo Bình cùng dự và đơn vị liên quan là PVOil, PVFC (Công ty Tài chính Dầu khí), PVC và PVB.
Tại cuộc họp, đại diện PVB đã nêu rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực và không đáp ứng các điều kiện theo hồ sơ yêu cầu như nội dung Công văn số 89 nêu trên.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng đã kết luận chỉ đạo trực tiếp: lãnh đạo Tập đoàn PVN đồng ý cho người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại PVOil/PVB chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp các gói thầu này.
Hội đồng quản trị PVB toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dự án và cùng Ban Tổng Giám đốc PVB chịu trách nhiệm triển khai thực hiện 2 vấn đề: Về gói thầu san lấp mặt bằng nhà máy, giao PVOil/PVB tổ chức chỉ định thầu cho một công ty địa phương tại tỉnh Phú Thọ; gói thầu EPC giao tiến độ hoàn thành trong 18 tháng.
Trong đó, bị cáo Thăng chỉ đạo: “Song song với việc đàm phán với các đối tác, từ nay đến 24/5/2009, PVC và PVB tiếp tục đàm phán giá gói thầu EPC. Nếu PVC chấp nhận giá của chủ đầu tư thì giao PVC thực hiện các phần việc tương ứng của gói thầu này."
Đại diện Viện kiểm sát nhận định chỉ đạo trên của bị cáo Thăng phản ánh rất rõ việc chỉ đạo trực tiếp đối với PVOil, PVC, PVB về chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, không đáp ứng điều kiện về giá gói thầu.
Mặt khác, tuy bị cáo Thăng có đặt ra việc đàm phán với các đối tác khác nhưng vẫn chỉ đạo chỉ định thầu cho PVC nếu PVC chấp thuận giá như hồ sơ yêu cầu của PVB đưa ra. Việc chỉ đạo này đã hoàn toàn loại yếu tố năng lực của nhà thầu hay nói cách khác PVC chỉ cần chấp nhận giá gói thầu của chủ đầu tư là được chỉ định thầu bất chấp năng lực, kinh nghiệm không bảo đảm theo hồ sơ yêu cầu… mà chủ đầu tư (PVB) đã phản ánh rõ trong công văn số 89 và trình bày tại cuộc họp.
Thêm vào đó, tại cuộc họp ngày 7/5/2009, các bị cáo đã nắm rõ về năng lực, kinh nghiệm của PVC và cả liên danh nhà thầu là không bảo đảm theo hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn chỉ đạo có tính áp đặt đối với PVOil và PVB chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu do PVC đứng đầu thực hiện dự án trái quy định của Luật Xây dựng năm 2003.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định điều này thể hiện ý thức chủ quan của các bị cáo là cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật và có tính chất quyết định dẫn đến việc PVB chỉ định thầu cho PVC thực hiện dự án.
Dự kiến, ngày 15/3/2021, HĐXX sẽ tuyên án.
Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bị cáo Bình là người làm việc có năng lực, trách nhiệm, quyết liệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do vậy, bị cáo Thăng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn trách nhiệm hình sự, dân sự cho bị cáo Bình. Đồng thời, bị cáo Thăng xin Hội đồng xét xử xem xét, cá thể hóa trách nhiệm các bị cáo khác nhưng không cáo buộc các bị cáo này chịu trách nhiệm đồng phạm với bị cáo Thăng. Nhiều bị cáo khác đều đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vụ án thấu tình đạt lý, cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, chính sách nhân đạo của Nhà nước. Một số bị cáo mong Hội đồng xét xử cho các bị cáo được trả tự do tại tòa và miễn trách nhiệm dân sự trong vụ án này.
|