Chiều ngày 28/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư tại phiên tòa. Ảnh: Hà Tuân

Đại diện Viện kiểm sát đã đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư và các bị cáo trong vụ án.

Về việc một số luật sư cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với các bị can, bỏ trốn, hoặc vắng mặt.

Về việc này đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm và viện dẫn: “Khoản 1 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án.

Tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong các trường hợp: b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố;

Khoản 1 Điều 281 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử.

Theo các quy định nêu trên thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định như sau: trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Như vậy,  trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra liên quan đến tất cả bị can hoặc nhiều bị can khác thì có thể không tạm đình chỉ điều tra đối với các bị can có lý do tạm đình chỉ.

Tại khoản 2 Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.

Như phân tích ở trên, trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án liên quan đến tất cả bị can hoặc nhiều bị can khác thì không tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can mà truy tố đối với các bị can bỏ trốn.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh: “Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người có vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội Đưa hối lộ.

Các bị can Trần Mạnh Hà, Đỗ Văn Sơn và các bị can bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị can khác trong vụ án nên Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra mà vẫn đề nghị truy tố vắng mặt các bị can bỏ trốn, VKSND tối cao không ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can mà quyết định truy tố vắng mặt trong thời gian bỏ trốn là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”.

Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thế Vinh cho rằng, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố Ngô Thế Vinh là chưa thật phù hợp. Không có quy định nào cho phép Viện kiểm sát truy tố vắng mặt. Theo đó, tạm đình chỉ điều tra đối với Ngô Thế Vinh thì phù hợp hơn. Tòa án xét xử vắng mặt Ngô Thế Vinh là chưa thật sự rõ ràng về mặt pháp lý.

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp và viện dẫn, tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

Căn cứ khoản 2 Điều 229 và khoản 2 Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự đã viện dẫn và phân tích ở trên thì Cơ quan điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử vắng mặt đối với Ngô Thế Vinh và các bị can, bị cáo bỏ trốn khác là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, tính chất đặc điểm của vụ án này.

Vũ Phương