Vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan, đang được các cơ quan tố tụng giải quyết đồng bộ, quyết liệt, kịp thời và nghiêm minh, đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực.

Liên quan đến vụ án đã có hàng loạt quan chức của Đồng Nai bị điều tra, truy tố…Những hành vi tội phạm có tính hệ thống đã được đưa ra ánh sáng. Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã dùng những thủ đoạn, hành vi gì để thâu tóm trúng 16 gói thầu dễ dàng? Và những quan chức Đồng Nai đã “sập bẫy” như thế nào, bước đầu đã được Bộ Công an, VKSND tối cao làm rõ.  

leftcenterrightdel
 Các cựu quan chức trong vụ án đã nhận hối lộ tổng số tiền 43,8 tỉ đồng. Ảnh: Hà Nhân

Những bữa cơm trưa và “phi vụ” tiền tỷ

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc  Công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo, điều hành cấp dưới làm trái, lập các công ty con, tạo dựng các đơn vị làm “quân xanh”, “quân đỏ”; mua chuộc, hối lộ các quan chức có liên quan của Đồng Nai để dễ dàng trúng các gói thầu tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Việc “giăng bẫy” của Nguyễn Thị Thanh Nhàn bắt đầu từ những “bữa cơm trưa” và các quan chức “tự chuyển hoá” cũng bắt đầu từ đây.

Đó là, năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp cận và đặt mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông Thành đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty tham gia các dự án của tỉnh.

Sau đó, thông qua ông Thành, Nhàn và Hoàng Thúy Nga (cấp dưới của Nhàn) đã nhiều lần gặp Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Đến năm 2010, khi Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) báo cáo ông Thành về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung. Ông Thành điện thoại cho bà Nhàn đề nghị giúp Đồng Nai xin vốn trung ương hỗ trợ cho dự án bệnh viện và được bà Nhàn đồng ý.

Trước khi UBND tỉnh ra quyết định bổ sung đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào Dự án (tháng 7/2010), Hoàng Thị Thúy Nga đến gặp và mời Trần Đình Thành ăn cơm trưa, Thành điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ đến ăn cơm cùng tại nhà hàng “Nhã Viên Quán”. Tại đây, Thành giao cho Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế của Dự án do Công ty AIC có khả năng và uy tín, có nhiều mối quan hệ với Trung ương và có công xin vốn cho tỉnh.

leftcenterrightdel
 Cơ quan chức năng phối hợp khám xét phòng làm việc của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Hà Tuân

Can thiệp từ khâu làm giá đến quá trình đấu thầu

 Đầu năm 2013, khi bệnh viện được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của bà Nhàn, ông Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm tổng giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Tiếp đó, Nga chỉ đạo nhân viên Công ty AIC phối hợp với lãnh đạo, nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án. Các hạng mục thiết bị đều do phía Công ty AIC đề nghị, thu thập báo giá gửi cho Công ty Mediconsult làm căn cứ tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, bà Nhàn, bà Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở cho bà Nhàn, bà Nga phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện. Thông qua ông Vũ bà Nga gặp ông Nguyễn Công Tiến, Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới  để cung cấp các báo giá để thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC.

Theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào. Từ đó, căn cứ chứng thư thẩm định giá, ông Vũ đại diện chủ đầu tư ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được Công ty AIC thông đồng với đơn vị thẩm định giá nâng giá, sử dụng làm căn cứ lập và phê duyệt HSMT.

Quá trình tham gia đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo thuộc cấp điều chỉnh làm đẹp hồ sơ, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của HSMT. Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua HSMT, lập HSDT cho cả công ty "quân chính" và công ty "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp HSDT cho đủ số lượng theo quy định. Thực tế chỉ các công ty được xác định trúng thầu như AIC, BMS, Thành An Hà Nội và TNT thì bộ phận lập hồ sơ đưa ủy quyền bán hàng, bảo hành của hãng vào hồ sơ để đảm bảo trúng thầu, còn các công ty làm "quân xanh" thì nhân viên Công ty AIC làm HSDT không có giấy ủy quyền của hãng, không có bảo hành để không đủ điều kiện trúng thầu.

Kết quả, Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói, với tổng giá trị  hơn 665 tỉ đồng. Ngày 3/11/2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai ban hành 16 Kết luận định giá, xác định: 14/16 gói thầu nêu trên gây thiệt hại 148 tỉ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn ký và chỉ đạo Trần Mạnh Hà ký các Phụ lục hợp đồng với Chủ đầu tư để điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng trái quy định tại Điều 57 Luật Đấu thầu năm 2005 (tương ứng Điều 67 Luật Đấu thầu năm 2013), gây thiệt hại số tiền hơn 3,5 tỉ đồng. Tổng số tiền thiệt hại là hơn 152 tỉ đồng.

Đưa – nhận hối lộ và “bộ mặt” những quan tham

Nguyễn Thị Thanh Nhàn nổi tiếng trong giới kinh doanh là người có quan hệ rộng và rất chịu chơi, chịu chi phóng khoáng trong việc “quà cáp” trước khi giao dịch. Khám xét trụ sở Công ty AIC, các cơ quan “tố tụng” choáng ngợp vì hệ thống két sắt được trang bị dày đặc trong phòng làm việc của tất cả các phòng ban, trang bị cho tất cả các nhân viên tại Công ty. Bên cạnh đó, tại trụ sở Công ty còn có một “kho” có rất nhiều sản phẩm thuộc hàng “xa xỉ phẩm” chưa bóc tem được cất giữ. Đây là “kho hàng” để Nhàn đem quà đi biếu các mối quan hệ.

Để Công ty AIC được trúng 16 gói thầu với tổng giá trị  hơn 665 tỉ đồng tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 152  đồng, ngoài việc thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập mối quan hệ với một số cán bộ là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở, ngành tỉnh Đồng Nai, chi tiền cho một số cán bộ để được tạo điều kiện trong quá trình tham gia đấu thầu, giao việc quản lý thu, chi đối ngoại cho Ban Thư ký tài chính.   

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Không để Nguyễn Thị Thanh Nhàn "ngoài vòng pháp luật"

leftcenterrightdel
 

Qua theo dõi những vụ án lớn gần đây đã cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rất tốt nhiệm vụ, chức trách của mình. Việc truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhiều bị can khác dù bị can Nhàn đang bỏ trốn cho thấy quyết tâm rất lớn và rất đáng trân trọng các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó Viện kiểm sát giữ vai trò rất quan trọng.

Tôi cũng khá bất ngờ về khoản tiền cho biếu, tặng, đưa hối lộ giữa doanh nghiệp với một số lãnh đạo, quan chức, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là quá lớn. Qua việc này cũng cho thấy số tiền các đối tượng dùng để hối lộ những người được từng được Đảng, Nhà nước giao vị trí, trọng trách quan trọng tại địa phương nhưng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã đi ngược lại lợi ích của đất nước. Những đối tượng này cũng cần phải xử lý thật nghiêm minh làm gương cho người khác. 

Trước yêu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước trong việc xử lý nghiêm minh Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm, tôi mong rằng, cơ quan chức năng sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, bắt bằng được đối tượng. Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể để đối tượng này ngoài vòng pháp luật.

Từ năm 2011 đến năm 2020, một số nhân viên Công ty AIC đã nhận tiền từ bộ phận quỹ của Ban Thư ký tài chính để nộp, chuyển tiền vào tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh, nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Thương mại tổng hợp Nam Bộ (Công ty do Nhàn thành lập, điều hành) để rút tiền mặt giao cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn và nhân viên Công ty AIC chi tiền theo “Cơ chế”, “Ngoại giao”… Trong đó, quá trình thực hiện Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và nhân viên Công ty AIC nhiều lần nhận tiền từ quỹ của Ban Thư ký tài chính để đưa hối lộ tổng số tiền 43,8 tỉ đồng.

Theo đó, từ năm 2010 đến 2015, Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai) đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỉ  đồng do Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp đưa tại Hà Nội và Đồng Nai. Đinh Quốc Thái (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo công trình xây dựng Bệnh viện Đồng Nai) đã nhận 14 lần tổng số tiền 14,5 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn tại Đồng Nai hoặc Hà Nội; Phan Huy Anh Vũ  nguyên Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai)  đã nhận tổng số 14,8 tỉ đồng từ Trần Mạnh Hà và đều nhận tại phòng làm việc của Vũ.

VKSND tối cao đã làm rõ, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Công bố quyết định tố tụng. Ảnh: Hà Tuân

Riêng với Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), thực hiện ý kiến của Trần Đình Thành, quá trình phê duyệt, điều chỉnh Dự án và lập kế hoạch đấu thầu các gói thầu của Dự án thì Đinh Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thu làm nhanh các thủ tục, với lý do“Nhàn là ruột thịt của Bí thư, đừng để Bí thư phật ý”. Cùng với lợi ích vật chất mà Thu nhận được từ Nhàn tổng cộng 1 tỉ đồng nên đã bỏ qua các bước thẩm định và ký tờ trình để Đinh Quốc Thái ký Quyết định phê duyệt lại Dự án, bổ sung thêm phần đầu tư thiết bị với số tiền 754,396 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 1.904,3 tỉ đồng, không lập hồ sơ thuyết minh điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, không đưa ra cơ sở để xác định danh mục thiết bị, xác định số lượng, đơn giá thiết bị theo quy định tại các Điều 6, 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia và trúng 16 gói thầu thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 665 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 148 tỉ đồng.

Qua những hành vi, thủ đoạn mà các bị can đã thực hiện trong vụ án được các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ, cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những hành vi vi phạm pháp luật, vì lòng tham, lợi ích, trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân…thì sẽ bị xử lý khách quan, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

 Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Quyết tâm rất lớn xử lý tham nhũng, tiêu cực
leftcenterrightdel
 

Việc VKSND tối cao truy tố đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị can khác trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan là rất kịp thời. Việc truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm dù đối tượng này đang bỏ trốn cho thấy sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Với quyết tâm như vậy tôi tin rằng, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn có trốn đi đâu nữa cũng sẽ bị bắt, phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật.  

Đây là vụ án rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước được dư luận rất quan tâm. Nhóm lợi ích, tham nhũng, tiêu cực ở đây đã quá rõ, trong đó có nhiều quan chức, lãnh đạo tỉnh cũng tham gia vào, đó là những cán bộ đã tha hóa về đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa vì đồng tiền mà mờ mắt. Do đó việc cơ quan tiến hành tố tụng đã hoàn tất truy tố và sớm đưa ra xét xử đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

Điều này cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục cho thấy không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Công cuộc đấu tranh, xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực không những đang tiếp tục mà còn được trung ương làm rất mạnh. Qua những vụ đại án vừa qua, các cá nhân, tổ chức bị kỷ luật, xử lý nghiêm minh đã tạo sự đồng thuận rất cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.


 Luật sư Trần Điệp, Giám đốc Công ty Luật Minh Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:

Đủ cơ sở pháp lý giải quyết vụ án vắng mặt đối với Chủ tịch  AIC

Theo quy định của BLTTHS khi bị can bỏ trốn, Cơ quan điều tra phải tiến hành truy nã bị can. Nếu hết thời hạn điều tra mà chưa bắt giữ được bị can thì cần tạm đình chỉ điều tra (Điều 229) hoặc tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố (Điều 247).

Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thể ra quyết định tách vụ án nếu bị can bỏ trốn và việc tách vụ án đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện (Điều 170 và Điều 242).

Như vậy, về thực tế việc điều tra, truy tố vắng mặt đối với bị can trong vụ án hình sự chưa được BLTTHS quy định mà thủ tục tố tụng hình sự, chỉ quy định phương án giải quyết đối với trường hợp bị can bỏ trốn và kết quả truy nã bị can không đạt được.

Về nội dung xét xử vắng mặt đối với bị cáo, hiện BLTTHS đã có quy định tương đối rõ ràng. Cụ thể, Điều 290 BLTTHS quy định một trong các trường hợp Tòa án có thể xét xử vắng mặt, nếu bị cáo bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả.

leftcenterrightdel
 

Các quy định trên cho thấy, việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc giải quyết vụ án vắng mặt đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch  AIC là đã có những cơ sở pháp lý nhất định.

Về bản chất, việc xét xử với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào xử vắng mặt vẫn phải tuân theo quy định của luật pháp. Do vậy, đối với các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài chúng ta đã tiến hành khởi tố, điều tra nếu có đầy đủ chứng cứ. Có đầy đủ cơ sở nhưng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả thì có có thể vận dụng quy định luật pháp để xem xét xử lý.

Bên cạnh đó, việc truy tố, xét xử vắng mặt đối với bà Nhàn trong vụ án nêu trên, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về việc xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ; qua đó mang lại niềm tin của nhân dân về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

 NHỮNG BỊ CAN BỎ TRỐN ĐANG PHÁT LỆNH TRUY NÃ QUỐC TẾ

 Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc  Công ty AIC); Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng thiết bị y tế của Công ty AIC);  Đỗ Văn Sơn ( Kế toán trưởng Công ty AIC); Nguyễn Thị Tích (Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha (Công ty Mopha); Nguyễn Thị Sen (Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường); Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội); Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y tế Nha khoa Việt Tiên); Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa

 

 

 

 

Nhóm PV