Ngày 22/12, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội tiếp tục dành nhiều thời gian xét hỏi nhóm bị cáo thuộc Công ty AIC, các công ty liên quan để làm rõ việc cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập mạng lưới công ty “quân xanh”, “quân đỏ” nhằm giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Đầu giờ chiều ngày 22/12, Hội đồng xét xử mời đại diện Viện kiểm sát tham gia xét hỏi các bị cáo.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC. Ảnh: Hà Tuân. |
Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi với bị cáo Nguyễn Thị Nhung, với tư cách Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai, bị cáo có tiếp xúc hoặc quen biết với bị cáo nào tại Công ty AIC?.
Bị cáo trình bày, trong quá trình xem xét giá dự toán, giá thẩm định, bộ phận quản lý dự án là Thái và Vinh phát hiện ra có những đơn giá bất thường trong thẩm định giá. Giá bộ dụng cụ nội soi phần mềm cao gấp 9 lần so với giá dự toán. Giá mã X-quang cao 2,4 tỉ đồng. Thái và Vinh có báo cáo với bị cáo, bị cáo yêu cầu phát hành văn bản báo cho chủ đầu tư biết về vấn đề trên.
Bị cáo Thái và Vinh làm báo cáo phát hành gửi cho chủ đầu tư, chủ đầu tư không phản hồi bằng văn bản. Bị cáo Vũ có gặp bị cáo nói rằng, “mình là kỹ sư xây dựng không biết gì về thiết bị y tế nên không có ý kiến".
Đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề, bị cáo không có thẩm quyền hay chuyên môn về giá nhưng Trung tâm tư vấn phải có nhiệm vụ giúp chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật và thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các nhiệm vụ quản lý về vốn. Thậm chí, cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn, nhưng bị cáo Nguyễn Thị Nhung, dù phát hiện mức giá dự toán cao hơn bất thường mức giá đã được phê duyệt về tổng mức đầu tư nhưng đã không báo cáo lên cấp có thẩm quyền.
Đại diện Viện kiểm sát cũng đặt câu hỏi với bị cáo Nguyễn Thị Nhung, với trách nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm, bị cáo có báo cáo với cơ quan cấp trên hay không khi chủ đầu tư không trả lời bằng văn bản?
Bị cáo Nguyễn Thị Nhung thừa nhận đã không báo cáo lên cấp có thẩm quyền.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cũng chỉ rõ 3 hành vi của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga trong kết luận đã nêu, cụ thể: Bị cáo Nga đã chỉ đạo nhóm nhân viên cấp dưới để thông đồng với các công ty để đưa danh mục, đơn giá trang thiết bị y tế vào hồ sơ mời thầu. Thông đồng với bị cáo Nguyễn Công Tiến, Tổng giám đốc công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới là đơn vị tư vấn thẩm định giá cho các gói thầu để ban hành chứng thư thẩm định giá trên cơ sở giá của Công ty AIC đưa ra. Nga chỉ đạo bị cáo Quỳnh, Thu, Minh, Quân để lập hồ sơ dự thầu của Công ty AIC và các công ty "quân xanh, quân đỏ" khác. Ở đây, có 3 công ty quân xanh, quân đỏ.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga cho rằng, thời điểm xảy ra cách đây đã lâu, nhiều việc và thời gian điều tra vụ án điều tra nhanh quá, chỉ trong 6 tháng nên bị cáo không nhớ được chi tiết. Bị cáo cũng chưa đánh giá được hành vi của mình là có hay không có, phạm tội hay không phạm tội.
Về việc này, đại diện Viện kiểm sát phân tích cho bị cáo Nga hiểu, vụ án này đã xảy ra từ những năm 2013, thậm chí có sự kiện xảy ra trước đó nữa. Bị cáo nói điều tra trong 6 tháng và kết thúc là nhanh nhưng thực tế đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn điều tra cũng chỉ có 4 tháng. Nếu cần thiết có thể gia hạn thêm thời gian điều tra. Bởi vậy, không thể nói điều tra 4 tháng hay 6 tháng là quá nhanh.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi với nhiều bị cáo nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Ảnh: Hà Tuân. |
Đại diện Viện kiểm sát cũng chỉ rõ, tại phiên tòa bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga đưa ra không có căn cứ, khi Cơ quan điều tra đã kết luận là đã thu thập đầy đủ chứng cứ.
Còn các bị cáo khác, trong đó có cấp dưới của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga trình bày cũng có lúc chưa rõ, chưa cụ thể, không nhớ được hết và khi đó Kiểm sát viên sẽ trích dẫn lời khai, viện dẫn lời khai của bị cáo để các bị cáo nhớ lại và xác nhận lại lời khai có đúng hay không.
Đại điện Viện kiểm sát cũng hỏi bị cáo Trần Đình Thành về nhận thức hành vi của mình.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành thừa nhận mức độ, tính chất sai phạm của bị cáo trong việc vi phạm về đấu thầu. Thừa nhận đã chỉ đạo để Công ty AIC trúng nhiều gói thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Bị cáo Trần Đình Thành cũng trả lời đại diện Viện kiểm sát do mình tự khai báo, đúng như cáo trạng của VKSND tối cao truy tố.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cũng hỏi bị cáo Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai về việc được cựu Bí thư Trần Đình Thành nhiều lần chỉ đạo tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ nhận thức trước Hội đồng xét xử là mình đã sai hoàn toàn.
Trước đó, Hội đồng xét xử đặt câu hỏi với bị cáo Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNT về việc trong quá trình tham gia làm “quân xanh” cho Công ty AIC, ai là người liên hệ đề nghị bị cáo làm "quân xanh, quân đỏ" tham gia bao nhiêu gói thầu?
Bị cáo Lê Thị Bích Thủy khai, không nhớ rõ Nguyễn Thị Thanh Nhàn hay Hoàng Thị Thúy Nga mời tham gia. Phía Công ty AIC liên hệ để nhờ hỗ trợ nộp thầu, tổng số 11 gói thầu, trong đó có 1 gói công ty của bị cáo đứng tên trúng thầu gói 73.
Bị cáo Lê Thị Bích Thủy cũng được Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi về hành vi công ty của bị cáo làm “quân xanh” 10 gói, 1 gói làm “quân đỏ” cho Công ty AIC dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước trên trên 12,5 tỉ đồng, bị cáo có suy nghĩ gì?
Bị cáo Lê Thị Bích Thủy trả lời trước tòa, bị cáo đã được Cơ quan điều tra phân tích rõ về những hành vi gây hậu quả lớn, bị cáo nhận thức mình đã sai nên dẫn đến kết quả như vậy.
Bị cáo Lê Thị Bích Thủy cũng cho rằng, mình thiếu hiểu biết về pháp luật về đấu thầu, sức ép về doanh số, chi phí lương nhân viên, duy trì hoạt động doanh nghiệp nên công ty của bị cáo đã làm “quân xanh” hỗ trợ cho AIC trúng thầu.
Bị cáo Lê Thị Bích Thủy cũng trình bày đã chỉ đạo nộp lại số tiền trên 3 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm tội.
Còn bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân cũng thừa nhận trước Hội đồng xét xử được Công ty AIC nhờ ký 13 bản báo giá để làm căn cứ xác định giá các chứng thư thẩm định theo mức giá của Công ty AIC đưa ra.
Huỳnh Tuấn Anh lý giải do bản thân không hiểu về Luật đấu thầu nên mới sai phạm. Quá trình điều tra, bị cáo đã tác động để Công ty Tạ Thiên Ân nộp khắc phục hậu quả số tiền 643 triệu đồng.
Còn bị cáo Nguyễn Văn Bằng, nguyên Giám đốc Công ty Tâm Hợp cũng thừa nhận cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát là đúng người, đúng tội. Bị cáo Bằng trình bày khi Công ty AIC nhờ Công ty Tâm Hợp giúp đỡ làm "quân xanh" cho gói thầu số 69, bị cáo đã đồng ý nhưng không biết đây là hành vi trái pháp luật.
Bị cáo Bằng cũng khai nhận, đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết việc giúp Công ty AIC làm "quân xanh" là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại trên 7,5 tỉ đồng. Bị cáo đã tác động để gia đình nộp khắc phục 500 triệu đồng.
Hội đồng xét xử cũng hỏi bị cáo Nguyễn Thị Dung, Tổng Giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam thừa nhận cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên toà.