Đừng để Bí thư phật ý

Ngày 26/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan bước sang ngày làm việc thứ 5.

Tại phiên tòa, các luật sư tiếp tục nêu quan điểm bào chữa, gỡ tội cho các bị cáo.

Đáng chú ý, trong phiên xét xử sáng nay, luật sư Nguyễn Thị Thu bào chữa cho bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho rằng, bị cáo Thu không có động cơ vụ lợi trong vụ án mà chỉ vì mục đích để kịp xin vốn ngân sách từ Trung ương để sớm thực hiện xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Về việc cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai nhận 1 tỉ đồng quà biếu của Công ty AIC, vị luật sư cho rằng do công ty này chủ động mang đến mà bị cáo Thu không đặt vấn đề hay gợi ý với doanh nghiệp này.

Luật sư của bị cáo Thu cho rằng, những quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát đối với thân chủ của mình là nặng. Vị luật sư cũng đưa ra một số quan điểm nhằm bào chữa, gỡ tội cho bị cáo Bồ Ngọc Thu.

leftcenterrightdel
Bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai tại phiên tòa. Ảnh: Trần Tâm

Đồng tình với Viện kiểm sát về các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Bồ Ngọc Thu. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng thêm một số tình tiết giảm nhẹ khác cho cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai như: bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Ngoài Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Đồng Nai và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng có công văn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bà Thu vì bị cáo này đã có nhiều đóng góp, cống hiến.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước; áp dụng chính sách đối với người có công… để xem xét, xét xử bị cáo Thu một tội khác nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố và được hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội.

Đối với bị cáo Bồ Ngọc Thu, bản luận tội của Viện kiểm sát đã chỉ rõ, tại các lời khai trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Bồ Ngọc Thu đều khai nhận như sau: Năm 2007, Trần Đình Thành giới thiệu Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Thu và yêu cầu Thu hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty của Nhàn tham gia các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thực hiện ý kiến của Trần Đình Thành, quá trình phê duyệt, điều chỉnh Dự án và lập kế hoạch đấu thầu các gói thầu của Dự án thì Đinh Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thu làm nhanh các thủ tục, với lý do“Nhàn là ruột thịt của Bí thư, đừng để Bí thư phật ý”.

Năm 2010, tại cuộc họp Tỉnh ủy, Bồ Ngọc Thu gặp và báo cáo Trần Đình Thành khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho Dự án. Thành chỉ đạo Thu chuẩn bị hồ sơ và liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Nhàn để hỗ trợ xin vốn. Sau khi được Trần Đình Thành trao đổi lại việc Nhàn sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc xin vốn từ Trung ương, Thu báo cáo và Đinh Quốc Thái chỉ đạo khẩn trương thực hiện.

Thu điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ nhanh chóng bổ sung thiết bị y tế vào dự án; báo cáo Đinh Quốc Thái về việc, nếu làm theo trình tự thẩm định thì sẽ không kịp trong tháng 7 như yêu cầu. Vì lo sợ để Bí thư phật ý và thực hiện chỉ đạo của Đinh Quốc Thái về việc làm hồ sơ là quan trọng để kịp xin vốn của Trung ương; Mặt khác, vào các dịp lễ, tết, Thu có nhận lợi ích vật chất từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoặc Trần Mạnh Hà (mỗi lần từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, riêng dịp Tết năm 2010 nhận 300 triệu đồng, trước khi nghỉ hưu - khoảng tháng 8, 9 năm 2015 nhận 500 triệu đồng, tổng số tiền đã nhận là 1 tỉ đồng và sử dụng vào mục đích cá nhân) nên Thu đã bỏ qua các bước thẩm định và ký tờ trình để Đinh Quốc Thái ký Quyết định 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 phê duyệt lại Dự án, bổ sung thêm phần đầu tư thiết bị với số tiền 754,396 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 1.904,3 tỉ đồng, không lập hồ sơ thuyết minh điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, không đưa ra cơ sở để xác định danh mục thiết bị, xác định số lượng, đơn giá thiết bị theo quy định tại các Điều 6, 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia và trúng 16 gói thầu thiết bị y tế với tổng số tiền 665,757 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 148,555 tỉ đồng.

Bản luận tội cũng nêu rõ, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ; lời khai của Kiều Hữu Hạnh, của nhóm nhân viên thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các tài liệu, chứng cứ khác, có đủ căn cứ xác định: Vì động cơ cá nhân và vụ lợi, Bồ Ngọc Thu đã thực hiện hành vi ký Tờ trình UBND tỉnh phê duyệt lại Dự án, trong đó bổ sung thêm phần đầu tư thiết bị y tế trái quy định tại Điều 6, 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ, tạo điều kiện dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 148,555 tỉ đồng.

Bản luận tội của Viện kiểm sát nhấn mạnh: “Hành vi của Bồ Ngọc Thu đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự”.

leftcenterrightdel
Bản luận tội của Viện kiểm sát đã đề nghị mức án đối với từng bị cáo đảm bảo tính nghiêm minh và thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Ảnh: Hà Tuân

Đồng tình quan điểm với Viện kiểm sát

Tiếp tục ở phần tranh luận sáng nay, các luật sư Đỗ Mạnh Trường, Phí Hồng Quân và Phan Mậu Thìn bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNT đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát nhận định về hành vi của bị cáo Thủy và ghi nhận bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội, được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt cho hưởng án treo đối với bị cáo.

Tại bản luận tội của Viện kiểm sát, bị cáo Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNT là 1 trong 7 bị cáo được đề nghị xử phạt 30-36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Tại phiên toà, luật sư của bị cáo Lê Thị Bích Thủy cũng nêu quan điểm về vai trò đồng phạm và bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo Thủy; cùng những đóng góp đặc biệt của bị cáo cho xã hội để HĐXX cân nhắc áp dụng mức hình phạt vừa thể hiện sự khoan hồng vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cho bị cáo Thủy.

Theo luật sư Đỗ Mạnh Trường cho rằng, thời điểm năm 2012-2013, Công ty AIC là một doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (Dự án). Công ty TNT và các doanh nghiệp khác để bán thiết bị y tế vào Dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC.

Theo cơ chế này, bị cáo Thủy phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho Công ty AIC để bán được hàng vào Dự án đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì sự ổn định và phát triển cho công ty. Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do Công ty AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 02 Gói thầu số 07 và số 65.

Trong đó, gói thầu 07 “cung cấp, lắp đặt Hệ thống khí y tế” là gói thầu có yêu cầu kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhà thầu phải đáp ứng cả năng lực về thiết bị và thi công. Thời điểm năm 2013, Công ty TNT là một trong số ít các doanh nghiệp đáp ứng cả về việc cung cấp thiết bị (hãng Drager của Đức theo tiêu chuẩn của các nước G7) và có đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, làm việc nhiều năm với các hãng thiết bị hàng đầu thế giới, đủ năng lực thi công các gói thầu phức tạp trong thời gian dài như Gói thầu 07.

Đến ngày 2/1/2014, Công ty TNT đã hoàn thành việc thi công được hai bên nghiệm thu bàn giao đầy đủ, cho đến nay “Hệ thống khí y tế” tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là hạng mục hoạt động tốt với hệ thống thiết bị thuộc loại tiên tiến, hiện đại bậc nhất trong cả nước. 

Do đó, Công ty TNT thực hiện việc thi công gắn liền với việc cung cấp thiết bị của Gói thầu số 07 là “thực hiện công việc trong hợp đồng” đảm bảo việc lắp đặt thiết bị được đồng bộ, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không phải là “Công ty AIC giao cho Công ty TNT thi công”.

Vị luật sư cho rằng, Công ty TNT của Thủy không nằm trong “hệ sinh thái” với Công ty AIC, với mong muốn bán được hàng trong cơ chế thị trường vận hành thiếu kiểm soát nên đã đồng phạm giúp sức có vai trò không đáng kể với hành vi giản đơn đứng tên đấu thầu hộ Công ty AIC.

Xuyên suốt hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNT, bị cáo Thủy là người có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể: Công ty TNT và bị cáo Thủy đã có 6 năm liên tục từ năm 2016 đến năm 2022 thực hiện 81 Chương trình tài trợ với tổng giá trị hơn 34 tỉ đồng; trong đó đã xây dựng 1 cơ sở y tế trị giá hơn 3,3 tỷ đồng và hỗ trợ nhiều máy móc, thiết bị, đồ bảo hộ y tế có giá trị khác.

Bị cáo Thủy có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội, theo đó, luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận những đóng góp rất lớn liên tục trong thời gian dài cho xã hội của bị cáo Thủy để áp dụng những chính sách khoan hồng đặc biệt khi quyết định mức hình phạt cho bị cáo.

Bản Luận tội của Viện kiểm đối với bị cáo Lê Thị Bích Thủy nêu rõ, năm 2012, để nhằm mục đích được bán mặt hàng thiết bị y tế vào Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai thông qua anh trai là Lê Trọng Hải, Lê Thị Bích Thủy đã chấp nhận đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga làm “Quân xanh” cho Công ty AIC tham gia đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai.

Lê Thị Bích Thủy đã chỉ đạo Nguyễn Đức Hưng, Phạm Thị Thanh Huyền phối hợp với Hoàng Thế Quỳnh, Lê Chí Tuân, Nguyễn Tấn Sỹ là các nhân viên của Công ty AIC, mua hồ sơ mời thầu và làm hồ sơ dự thầu, dùng pháp nhân Công ty TNT để tham gia đấu thầu 11 gói thầu của Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, gồm: Gói số 07, 67, 68, 69, 70, 71, 73, 74, 75, 76, 77, trong đó Công ty TNT làm “Quân xanh” của 10 gói thầu, làm “quân đỏ” trúng thầu hộ Công ty AIC gói thầu số 73.

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty TNT được Công ty AIC giao thi công xây lắp gói thầu số 07, Lê Thị Bích Thủy ký 03 hợp đồng bán 22 thiết bị y tế cho Công ty AIC để cung cấp vào Dự án, hưởng lợi nhuận số tiền 3.558.355.633 đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Bích Thủy đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân, phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án, có đủ căn cứ xác định bị cáo Lê Thị Bích Thủy đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc dùng pháp nhân Công ty TNT làm hồ sơ “Quân đỏ”, “Quân xanh” giúp Công ty AIC trúng thầu 11 gói thầu tại Dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 112.563.068.482 đồng; hưởng lợi do mua bán thiết bị cung cấp vào Dự án là 3.558.355.633 đồng. Hành vi của Lê Thị Bích Thủy đã vi phạm Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2005, nay là Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Thị Bích Thủy đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; có nhiều đóng góp cho xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh; trước khi bị khởi tố, đã chủ động nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả thiệt hại; bố đẻ bị cáo được tặng Huân chương chiến công hạng 3; chồng được tặng Huy chương chiến sỹ vẻ vang; đang nuôi con nhỏ  do đó cần xem xét áp dụng điểm b, s, t Khoản 1, 2 Điều 51; tình tiết tăng nặng tại khoản 1, điểm g: khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

 

Vũ Phương