Ngày 17/7, đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội, quan điểm giải quyết vụ án đối với 54 bị cáo trong vụ đại án chuyến bay “giải cứu”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã luận tội đối với từng nhóm bị cáo theo các tội danh “Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 354, 364, 365, 356, 174 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đề nghị điều tra một số bị cáo có dấu hiệu của tội Rửa tiền trong giai đoạn 2. 

Sau khi nêu rõ hành vi, quá trình phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nêu những vấn đề phát sinh tại phiên tòa.

Qua hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) thấy rằng, cũng cần phải kiến nghị để điều tra làm rõ hành vi và trách nhiệm của ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, là người ký công văn chấp thuận gửi Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép cho các chuyến bay để xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.

Tại phiên tòa, bà Ngô Thị Lan Phương là chị gái của bị cáo Ngô Quang Tuấn giao nộp cho Hội đồng xét xử 1 tập chứng cứ là tài liệu tin nhắn cho rằng đây là tin nhắn trao đổi giữa bà Phương và bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, thể hiện giao dịch dân sự (vay mượn và góp vốn mua đất) giữa bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy và Ngô Thị Lan Phương. Xét thấy, hành vi của Ngô Thị Lan Phương có dấu hiệu của tội Che giấu tội phạm, cần tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy, một số bị cáo có dấu hiệu của tội Rửa tiền, đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình. 

Đại diện cơ quan giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cũng đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong vụ án chuyến bay “giải cứu”.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được thể hiện ở: Hành vi phạm tội của các bị cáo nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã lợi dụng hoàn cảnh dịch COVID -19 bùng phát để phạm tội; hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau, bị khởi tố với 5 tội danh; loại tội mà các bị cáo bị xử lý chủ yếu thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi mang tính đặc biệt nguy hiểm cho xã hội;

Các bị cáo nhận hối lộ là những người có chức vụ, quyền hạn cao trong các cơ quan nhà nước; sau khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo để che giấu hành vi phạm tội, thậm chí còn có việc tác động, nhờ giúp đỡ để một số cá nhân là các bị cáo nhóm doanh nghiệp không bị xử lý hình sự; đến nay, một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội.

leftcenterrightdel
 Nhiều bị cáo cúi đầu khi đại diện Viện kiểm sát luận tội, nêu quan điểm giải quyết vụ án. 

Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, đối với các bị cáo Nhận hối lộ: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cơ quan nhà nước đã tổ chức hơn 1000 chuyến bay đưa hơn 200.000 công dân từ 62 vùng lãnh thổ về nước là thể hiện chính sách, chủ trương nhân đạo của Nhà nước ta.

Mục đích và ý nghĩa của các chuyến bay là rất tốt đẹp. Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp đã bị một số cán bộ biến chất làm cho hoen ố, mất uy tín với nhân dân và bạn bè quốc tế. Một số bị cáo trong nhóm Nhận hối lộ đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân. Cụ thể: đã nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho, buộc đại diện các doah nghiệp phải đưa chi phí bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay.

Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội đối với các bị cáo Nhận hối lộ. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thời điểm xảy ra dịch đang diễn ra việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước cũng nhanh và phức tạp, không có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục nên đây cũng là nguyên nhân, sơ hở để các bị cáo phạm tội; một số bị cáo không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng do không tránh được cám dỗ nên đã phạm tội để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Đối với các bị cáo Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, đại diện Viện kiểm sát nhận định, một phần từ mục đích tìm kiếm lợi nhuận và tạo công ăn, việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh; ý thức của các doanh nghiệp trong việc đồng hành với Nhà nước thực hiện các chuyến bay đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt. 

Tuy nhiên, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin cho của một số đối tượng trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử cũng cần nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.

Đáng chú ý, đối với các bị cáo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:  Bằng thủ đoạn gian dối, các bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa), Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng thuộc Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) đã đưa ra các thông tin giả tạo, không đúng sự thật, làm cho bị hại tin tưởng giao tiền cho các bị cáo.

Hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra trong thời điểm dịch bệnh, do đó, cần phải có bản án nghiêm khắc để mang tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung.

 

Vũ Phương