Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh về hành vi phạm tội của 54 bị cáo: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, các bị cáo đã lợi dụng dịch bùng phát để phạm tội”.

Trong số 21 bị cáo bị truy tố về tội Nhận hối lộ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế mức án tử hình.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát luận tội các bị cáo. 

Đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, đại diện Viện kiểm sát xác định, bị cáo Kiên có số lần nhận hối lộ nhiều nhất 253 lần, với tổng số tiền nhận hối lộ lớn nhất hơn 42 tỉ đồng.

Bị cáo Kiên nhận tiền hối lộ với thủ đoạn trắng trợn nhất. Bị cáo có 198 lần nhận thông qua chuyển khoản, 30 lần nhận qua số tài khoản của mẹ vợ và con trai. Khi vụ án bị khởi tố điều tra, bị cáo Kiên che giấu hành vi bằng cách chuyển trả lại tiền cho các đại diện doanh nghiệp, rồi nhờ họ khai báo đây là khoản tiền vay mượn.

Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ bị đề nghị 7-8 năm tù.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.

Cựu Thứ trưởng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị mức án 18-19 năm tù.

leftcenterrightdel
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình. 

Cựu Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng bị đề nghị 9-10 năm tù.

Nguyễn Hồng Hà, cựu cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản bị đề nghị 5-6 năm tù.

Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola bị đề nghị từ 3-4 năm tù.

Lý Tiến Hùng, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga bị đề nghị 2-3 năm tù.

Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an bị đề nghị 9-10 năm tù.

Hai cựu cán bộ của đơn vị này gồm: Vũ Sỹ Cường bị đề nghị mức án từ 8-9 năm tù và Vũ Anh Tuấn 19-20 năm tù.

Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đề nghị mức 4-5 năm tù.

Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị đề nghị 8-9 năm tù.

Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng thuộc Cục Hàng không Việt Nam bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù.

Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên bị đề nghị mức 4-5 năm tù.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội. 

Bốn cá nhân bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia mức án từ 5-6 năm tù.

Các bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh bị đề nghị 4-5 năm tù; Đặng Minh Phương 2-3 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội môi giới hối lộ, VKSND đề nghị tuyên phạt Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội từ 6-7 năm tù.

Bùi Huy Hoàng, cựu chuyên viên thuộc Bộ Y tế từ 3-4 năm tù; Phạm Thị Kim Ngân, cựu cán bộ Tạp chí Thanh tra và Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam) 2-3 năm tù.

Đáng chú ý, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, bị đề nghị mức án 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị phạt Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa) từ 14-15 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Đưa hối lộ, 23 bị cáo còn lại gồm các đại diện doanh nghiệp, lao động tự do…, đại điện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù.

Hai người đưa hối lộ nhiều nhất là Lê Hồng Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky và Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky, với số tiền "bôi trơn" lên tới hơn 100 tỉ đồng.

Theo đó, bị cáo Lê Hồng Sơn bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù, bị cáo Hằng bị đề nghị mức án từ 10 - 11 năm tù.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với 54 bị cáo. 

Đại diện Viện kiểm sát cũng nhận định và đánh giá hành vi của 54 bị cáo trong vụ án có tính chất đặc biệt nguy hiểm, nhiều cá nhân nhận hối lộ tinh vi với số tiền đặc biệt lớn. Hơn nữa, vụ án xảy ra trong đại dịch COVID-19, khiến dư luận lên án gay gắt.

Một số bị cáo từng giữ các chức vụ cao tại một số Bộ, ngành nhưng đã lợi dụng dịch bệnh COVID-19, lợi dụng chủ trương, chính sách nhân đạo của Nhà nước khi giải cứu công dân để trục lợi.

Nhiều bị cáo còn gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho để ép doanh nghiệp phải chi tiền “bôi trơn”, thì mới cấp phép thực hiện chuyến bay. Từ đó, doanh nghiệp đã phải tăng giá vé máy bay, gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách giải cứu công dân.

Vũ Phương